Các chân trời văn hóa: Người Pháp nghĩ gì?

Tục ngữ Pháp II

Của cải (may mắn) đến trong khi ta ngủ (ý nói về gặp may, gần câu Việt Nam: mèo mù vớ cá rán, chó ngáp phải ruồi);

Con người không phải chỉ sống bằng bánh mì (ý nói: tình cảm và lý trí cũng cần như cái ăn);

Phải giặt giũ quần áo bẩn ở trong nhà (ý nói: chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau);

Cửa phải dứt khoát đóng hay mở (ý nói: phải có một quyết định dứt khoát);

Chớ đặt lưỡi cày trước con bò (ý nói: chớ có làm phần cuối trước phần đầu);

Chớ có đánh thức con mèo đang ngủ (ý nói: chớ có bới một cuộc cãi cọ hay một việc xấu đã giải quyết);

Không gì nguy hiểm bằng nước lặng (ý nói: nhiều khi phải dè chừng đối với những người bề ngoài có vẻ hiền lành, gần với Việt Nam: đừng trông mặt mà bắt hình dong);

Đến nhà làm bánh mì hơn là đến nhà thầy thuốc (ý nói: tiền thuốc đắt hơn tiền ăn);

Từ cốc rượu đến môi nhấp xa lắm (ý nói: từ ý muốn đến thực hiện có nhiều cản trở);

Xa mắt nhìn, xa tấm lòng (gần Việt Nam: xa mặt, cách lòng);

Tường có tai (Việt Nam tai vách mạch rừng);

Ban đêm, tất cả con mèo đều xám (gần với VN: tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh);

Không ai mù hơn kẻ không muốn nhìn. Không ai điếc hơn kẻ không muốn nghe;

Hoa hồng nào mà chẳng có gai (ý nói: không có niềm vui nào mà không có nỗi phiền);

Không ai được coi là nhà tiên tri tài ba ở nơi mình ở (ý nói: không ai được đánh giá đúng ở nơi mình ở, cùng ý với: đi xa tha hồ nói khoác);

Muốn là có thể được (ý nói: thường thì có thể thành công nếu có ý định cương quyết làm);

Tiếng nói của nhân dân là tiếng nói của thượng đế (ý nói: dư luận quần chúng thể hiện sự thật);

Bên này dãy núi Pi-rê-nê là sự thật, bên kia là sai lầm (ý nói: sự thật rất tương đối; cùng 1 việc nơi này cho là đúng thì nơi kia cho là sai);

Bụng đói thì không có tai nghe (ý nói: bụng đói thì chẳng muốn nghe gì cả);

Đoàn kết tạo ra sức mạnh (như câu Việt Nam: một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao);

Một cái trong tay còn hơn là hai cái sẽ có;

Một vụ thu xếp (điều đình) tồi, còn hơn 1 vụ kiện tốt (vì đi kiện rất tốn kém);

Một tai ương không bao giờ đến riêng lẻ (y như câu Việt Nam: họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai);

Cơ hội tạo nên kẻ ăn cắp (ý nói: cơ hội khiến người ta làm những điều bất chính mà người ta không nghĩ đến);

Người ta không thể có mặt đồng thời ở lò nướng bánh mì và ở cối xay lúa (ý nói: không thể làm nhiều việc cùng lúc);

Người ta bắt được nhiều ruồi bằng mật ong hơn là bằng giấm (ý nói: người ta lấy được lòng người khác bằng mềm mỏng hơn là bằng cứng rắn);

Xem quả thì biết giá trị cây (ý nói: đánh giá một con người phải qua hành động của y);

Thành phố Paris không thể chỉ một ngày là xây dựng xong (ý nói: cái gì cũng đòi hỏi thời gian);

Lời nói là bạc nhưng im lặng là vàng;

Nhận tội lỗi coi như là được tha thứ một nửa;

Những món quà nhỏ nuôi dưỡng tình bạn;

Những dòng suối nhỏ hợp thành sông lớn (ý nói: tích tiểu thành đại);

Vết thương tiền nong không làm chết người;

Không có tiền thì đừng hòng có ai hầu;

Khi vắng mặt mèo thì chuột tha hồ nhảy nhót (gần câu Việt Nam: vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm);

Khi rượu vang đã rót ra thì thế nào cũng phải uống nó (ý nói: khi việc đã tiến hành thì phải chấp nhận hậu quả, ngay cả khi nó xấu);

Kẻ ăn cắp một quả trứng sẽ ăn trộm một con bò;

Ai đánh vỡ cốc thì người ấy phải đền tiền;

Ai bố thí cho người nghèo thì như cho thượng đế vay (gần như: ở hiền gặp lành);

Gieo gió gặt bão;

Những người giống nhau thì thường tập hợp với nhau (như câu Việt Nam: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã);

Kẻ nào ôm quá nhiều thì không thể ôm chặt được (gần ý câu Việt Nam: một nghề cho chín còn hơn chín nghề);

Muốn đi xa thì phải lường sức ngựa;

Không gì mất đi, không gì tạo ra (ý nói: về sự tồn tại vĩnh viễn của vật chất);

Chẳng cần gì phải chạy, chỉ cần xuất phát đúng lúc;

Mặt trời chiếu sáng cho tất cả mọi người (ý nói: tất cả mọi người đều được hưởng của cải thiên nhiên);

Ai cười thứ sáu sẽ khóc vào chủ nhật;

Thời giờ là tiền của;

Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome (ý nói: có nhiều cách thực hiện một việc);

Việc nào rồi cũng sẽ đến, nếu biết chờ đợi;

Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng (ý nói: không nên tin vào bề ngoài, như Việt Nam: đừng trông mặt mà bắt hình dong);

Một con chim én bay đến không thể đã là mùa xuân (ý nói: không thể dựa vào một trường hợp, một sự việc để kết luận);

Nếu mà người trẻ hiểu biết thì... nếu người già có thể làm được thì... (ý nói: tuổi trẻ không đủ kinh nghiệm, người già thì bất lực);

Nếu muốn hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh;

Lý do của kẻ mạnh nhất bao giờ cũng coi là tốt nhất;

Tay lạnh thì tim nóng (ý nói: bề ngoài lạnh lùng thì bên trong tình yêu nồng nhiệt);

Nghe một tiếng chuông thì chỉ nghe thấy một âm (ý nói: muốn là một thẩm phán tốt, phải nghe cả hai bên nguyên bị)

Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-chan-troi-van-hoa-nguoi-phap-nghi-gi-n168988.html