Các chiêu lừa đảo nở rộ trên mạng xã hội việc làm LinkedIn
Những kẻ lừa đảo đang tích cực đóng giả làm nhà tuyển dụng trên mạng xã hội chuyên nghiệp về việc làm LinkedIn để khai thác các nạn nhân của làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông, như Facebook, Twitter, Google và Microsoft
Mạng xã hội việc làm LinkedIn đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của các vụ lừa đảo tuyển dụng tinh vi, khi những kẻ lừa đảo tìm cách tận dụng xu hướng làm việc từ xa và sa thải nhân viên phổ biến trong lĩnh vực công nghệ.
Những người tìm việc trên mạng chuyên nghiệp lớn nhất thế giới đang bị lừa tiền sau khi tham gia vào các quy trình tuyển dụng giả do những kẻ lừa đảo đóng giả là nhà tuyển dụng thiết lập trước khi lấy được thông tin cá nhân và tài chính.
Oscar Rodriguez, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm tại LinkedIn nói rằng: “Chắc chắn có sự gia tăng về mức độ tinh vi của các cuộc tấn công".
“Chúng tôi thấy các trang web được thiết lập, chúng tôi thấy các số điện thoại có một nhà điều hành có vẻ chuyên nghiệp nhấc máy và trả lời thay cho công ty. Chúng tôi thấy một những hình thức lừa dối tinh vi hơn”, ông nói thêm.
Cảnh báo được đưa ra khi công ty truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Microsoft cho biết họ đã tìm cách chặn hàng chục triệu tài khoản giả mạo trong những tháng gần đây.
Tháng trước, công ty an ninh mạng Zscaler đã tiết lộ một vụ lừa đảo nhắm vào những người tìm việc và hàng chục công ty Mỹ, nơi những kẻ lừa đảo tiếp cận mọi người thông qua tính năng nhắn tin trực tiếp InMail của LinkedIn.
Những kẻ lừa đảo đã xác định các doanh nghiệp đã đăng thông tin tuyển dụng, bao gồm công ty phần mềm doanh nghiệp Zuora, nhà phát triển phần mềm Intellectsoft và chính Zscaler.
Sau đó, chúng tạo các trang web “tương tự” với các quảng cáo việc làm và thông qua tính năng InMail của LinkedIn, chúng mời người tìm việc nhập thông tin cá nhân vào trang web trước khi thực hiện các cuộc phỏng vấn từ xa qua Skype.
Deepen Desai, Phó chủ tịch nghiên cứu bảo mật của Zscaler cho biết: “Chúng tạo hồ sơ Skype với ảnh của nhà tuyển dụng từ các công ty để thực hiện các cuộc phỏng vấn".
Các cuộc tấn công xảy ra khi số lượng người tìm việc bị mất trong các vụ lừa đảo liên quan đến việc làm tăng lên. Số liệu từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cho thấy có hơn 92.000 vụ lừa đảo liên quan đến việc làm và kinh doanh vào năm 2022, với 367,4 triệu đô la bị lấy cắp.
Mai Anh (theo FT)