Các chiêu trò mạo danh cơ quan thuế lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Một số thủ đoạn mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường mạng được cơ quan thuế nhận diện và phát đi cảnh báo tới người nộp thuế.

Các thủ đoạn giả mạo cơ quan thuế:

Giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại cung cấp, hướng dẫn người nộp thuế cài đặt các phần mềm, ứng dụng giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Các ứng dụng lừa đảo thường yêu cầu cấp quyền như xem màn hình, truy cập dữ liệu, điều khiển màn hình. Từ đó, sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế

Dùng điện thoại có các đầu số 0904503614, 0376573159, 0397113640, 0565640636, 0817570167, 08154290066…, xưng là cán bộ của Cục Thuế, Chi cục Thuế yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh giấy phép, căn cước công dân để được hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, phục vụ công tác kiểm tra cũng như các cuộc gọi hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) để nhận thông tin từ cơ quan thuế. Người gọi điện nói đây là phần mềm do cơ quan Thuế triển khai, nếu không đến cơ quan thuế để làm việc thì có thể được hỗ trợ cài đặt theo hướng dẫn. Phần mềm hướng dẫn cài đặt là zzb.lol. …

Thậm chí, các đối tượng còn dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như là deepfake, deep voice để tạo ra các video giả mạo cán bộ thuế, người thân, bạn bè để lừa đảo.

Các đối tượng tạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh, giao diện và nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của cơ quan thuế hoặc đơn vị cung cấp. Sau đó, các đối tượng sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu với các nội dung yêu cầu người dùng phải truy cập vào liên kết giả mạo, khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và từ đó thực hiện hành vi đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu người dùng, lừa đảo. Một số địa chỉ đã từng được các đối tượng sử dụng đều có đường dẫn đến có định dạng bất thường như là vn-cbs.xyz. vn-ms.top…

Dấu hiệu nhận biết không phải Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế:

- Đường dẫn URL trên thanh địa chỉ của trình duyệt phải được bắt đầu bằng “https://” và có một biểu tượng ổ khóa trên thanh địa chỉ (Lưu ý rằng, ổ khóa phải xuất hiện ở thanh địa chỉ trình duyệt chứ không phải trong nội dung của website).

Nên nhớ rằng, nếu cụm từ https:// chuyển sang màu đỏ và xuất hiện biểu tượng ổ khóa bị đánh dấu chéo, tức là có thể website mà người dùng truy cập vào đang sử dụng chứng chỉ số SSL hết hạn hoặc được cấp bởi một nguồn không đáng tin cậy.

- Tên miền của cơ quan thuế là: .vn

- Khi người dùng vừa truy cập website mà đã yêu cầu cung cấp những thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, số CMND/CCCD thì nên cảnh giác và không thực hiện theo yêu cầu.

Các đối tượng giả mạo tin nhắn SMS Brandname cơ quan thuế để thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt, ... yêu cầu người nộp thuế (NNT) cung cấp thông tin cá nhân hoặc cài đặt ứng dụng qua đường dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp.

Giả mạo cơ quan thuế để gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế như mời chào, dụ dỗ, dọa nạt, lừa đảo ép buộc NNT mua sách, tài liệu, cẩm nang về thuế với hình thức đặt hàng và thanh toán qua bưu điện…nếu NNT không mua sẽ bị kiểm tra, thanh tra thuế hoặc gây khó dễ khi làm việc với cơ quan thuế hoặc gửi mail thông báo NNT cần hoàn thành thủ tục cập nhật CCCD gắn chip cho người đại diện theo pháp luật trên Đăng ký kinh doanh và có thu phí từ vài trăm đến vài triệu đồng. Các đối tượng cũng có thể giả mạo cơ quan Thuế phát hành thông báo về việc ủy quyền đóng thuế cho công ty/cá nhân trung gian (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh) nhằm chiếm đoạt tiền của NNT.

Sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng. Mật khẩu nên dài hơn 8 ký tự và bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt, nên đổi mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản khác nhau.

Chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng, sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng.

Tổng cục Thuế khuyến cáo, người nộp thuế nên hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên mạng, trừ khi chắc chắn rằng thông tin được sử dụng có kiểm soát, đảm bảo rằng chỉ cung cấp thông tin cá nhân của mình cho cá nhân và tổ chức tin tưởng.

Khi nhận được tin nhắn, thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt, ... cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo hướng dẫn trong tin nhắn, thông báo.

Để tránh tình trạng lừa đảo khi thực hiện giao dịch với cơ quan thuế hoặc thực hiện các nghiệp vụ về thuế, NNT có thể liên hệ cán bộ, công chức đầu mối của Cục Thuế, Chi cục Thuế trên địa bàn để được hỗ trợ qua số điện thoại được công bố trên Trang thông tin điện tử của cơ quan Thuế quản lý.

Thu Trang/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/cac-chieu-tro-mao-danh-co-quan-thue-lua-dao-chiem-doat-tai-san-post1037198.vov