Các chính sách, văn bản pháp luật quan trọng về trẻ em đều có 'tiếng nói' của các em
Bên lề Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII 2023, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh việc tạo cơ hội để trẻ em được lên tiếng, đồng thời, ý kiến của trẻ em được hiện thực hóa trong các sản phẩm pháp luật, chính sách ra sao.
Thưa ông, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII có chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã làm những gì để giúp trẻ em tham gia tích cực vào chủ đề này?
Diễn đàn trẻ em quốc gia và nhiều hình thức thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như Hội đồng trẻ em, Câu lạc bộ trẻ em nòng cốt, đều xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em. Ở đây người lớn, anh chị phụ trách, chỉ đóng vai trò hỗ trợ các em tổ chức các mô hình hoạt động, trong đó có Diễn đàn trẻ em quốc gia. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn truyền tải ý kiến của các em một cách nhanh nhất đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương.
Không có việc người lớn gợi ý để các em nói. Các em mang kết quả của diễn đàn trẻ em địa phương, cuộc thảo luận của Diễn đàn trẻ em quốc gia đến các Bộ, ngành. Cụ thể, là là phiên đối thoại giữa trẻ em với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ, ngành khác.
Phiên chính thức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, năm 2023 đã diễn ra tại Hà Nội sáng 8/8, với sự tham gia của 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, các Làng trẻ em SOS trên cả nước. Tại phiên chính thức của diễn đàn, các em đặt nhiều câu hỏi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề trẻ em quan tâm, như: Giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; làm sao để nắm bắt thông tin hiệu quả; ngăn chặn bạo lực trên môi trường mạng; hỗ trợ tâm lý trẻ khi bị bạo lực, xâm hại; tình trạng thiếu giáo viên, vai trò của người mẹ trong việc bảo vệ con khỏi xâm hại…
Có thể nói rằng quyền được tham gia của trẻ em là một trong 4 nhóm quyền rất quan trọng. Bên cạnh việc tạo nên sự tự tin, các em còn có trách nhiệm hơn với gia đình, nhà trường, xã hội. Quyền tham gia của trẻ em với nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều vị phụ huynh còn là quyền mới lạ, khó thực hiện. Tuy nhiên, phải khẳng định, quyền tham gia của trẻ em là thúc đẩy môi trường xã hội văn minh, thân thiện, lành mạnh. Như các em trích từ bản tuyên bố thế giới: Nếu như xã hội này thực hiện lành mạnh, phù hợp với trẻ em có nghĩa là phù hợp với tất cả mọi người.
Vậy những khuyến nghị của trẻ em tham gia diễn đàn lần trước đã được hiện thực hóa như thế nào, thưa ông?
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Thông tư về việc lấy ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng pháp luật chính sách. Các hoạt động tham gia của trẻ em là thực chất. Các ý kiến của trẻ em phần lớn đều đã được tiếp thu một cách hợp lý. Chẳng hạn, với việc Tổng kết đánh giá chiến lược hành động trẻ em 10 năm, toàn bộ ý kiến của trẻ em được Ban soạn thảo các Bộ, ngành cân nhắc, có văn bản truyền tải. Đây là mong muốn không chỉ của cơ quan lập pháp, hành pháp, tổ chức xã hội, mà còn của trẻ em. Những sản phẩm pháp luật, chính sách có hàm lượng ý kiến trẻ em khá lớn.
Thưa ông, ông kỳ vọng như thế nào vào kết quả của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII?
Diễn đàn lần này đã quy tụ các đại diện trẻ em cả nước. Các em được bầu chọn từ diễn đàn trẻ em ở cấp tỉnh. Đó là những cá nhân tham gia tích cực các mô hình hoạt động có sự tham gia của trẻ em như: Hội đồng trẻ em, các nhóm trẻ em nòng cốt trong trường học. Các em mang tiếng nói từ trường học, trong cộng đồng dân cư đến với các lãnh đạo.
Chúng tôi rất ấn tượng với cuộc gặp gỡ trò chuyện giữa trẻ em và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các lãnh đạo Bộ, ngành. Ở đó có sự cởi mở, thân thiện, thẳng thắn và chia sẻ kinh nghiệm để làm sao các em được thực hiện tốt nhất quyền của mình.
Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia thể hiện cấp độ cao nhất về quyền tham gia của trẻ em. Qua diễn đàn, các đơn vị liên quan có cơ hội đánh giá, chia sẻ những mong muốn, nguyện vọng của các em trong thực hiện xây dựng pháp luật, chính sách cũng như các mục tiêu quyền trẻ em, đặc biệt giải quyết vấn đề trẻ em.
Chủ đề của diễn đàn năm nay có nghĩa đề xuất những sáng kiến, giải pháp và các em mong muốn là người lớn sẽ làm gì để giúp các em thực hiện các giải pháp, các mong muốn của mình. Tất cả những chủ đề của diễn đàn lần này đều được xây dựng từ diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Thậm chí, một số địa phương triển khai diễn đàn trẻ em ở cấp huyện, xã. Các em có cơ hội lắng nghe để mang ý kiến, nguyện vọng của các bạn về với Diễn đàn trẻ em quốc gia. Thông điệp của diễn đàn là “Tôi sẽ tập hợp để chuyển đến các cơ quan chức năng”. Diễn đàn kỳ tới các em sẽ được tiếp nhận thông tin phản hồi, rằng các cơ quan ban ngành, tổ chức đã làm những gì để đáp ứng ý kiến, nguyện vọng của các em.
Video ông Đặng Hoa Nam chia sẻ:
Với trách nhiệm và chức năng nhiệm vụ của Cục Trẻ em, chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức khác triển khai hệ thống bảo vệ trẻ em ở Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi thiết lập mạng lưới xã hội để mọi người dân có thể tham gia, có thể lên tiếng tố cáo nguy cơ xâm hại trẻ em tới các dịch vụ như Tổng đài bảo vệ trẻ em 111.
Phát biểu tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các câu hỏi, vấn đề mà các đại biểu nhỏ tuổi đưa ra đều sát với thực tế. Đó cũng là những điều đã được Đảng và Nhà nước thực hiện thông qua các nghị quyết của Đảng và bộ Luật Bảo vệ trẻ em năm 2016. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: “Từ chính sách, pháp luật đến thực tiễn sẽ có khoảng cách, bác mong các cháu sẽ là sự phản ánh trong sáng nhất nói lên tiếng nói của mình. Các bác, các cô chú sẽ theo trách nhiệm của mình, trên từng cương vị sẽ cố gắng lắng nghe, thấu hiểu và tiếp thu ý kiến của các cháu”.
Chúng tôi tham mưu để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt hệ thống bảo vệ trẻ em chuyên biệt. Theo tôi, cần thiết phải có sự phối hợp mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa giữa các môi trường như: Môi trường xã hội – công tác xã hội, môi trường giáo dục – tâm lý học đường, trách nhiệm của ngành y tế - chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chúng tôi nghĩ rằng ít nhất 3 bộ ngành này cùng với các Bộ ngành quan trọng khác như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cần thiết lập hệ thống tư pháp, hệ thống an sinh xã hội một cách chặt chẽ để làm thế nào phòng ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Làm sao để tất cả vụ việc trẻ em bị xâm hại đều được xử lý và giải quyết nhanh chóng nhất.
Bên cạnh đó, môi trường sống an toàn cũng được đề cập đến. Vấn đề tai nạn thương tích trong những năm gần đây đã được Việt Nam nỗ lực khá tốt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao. Chúng tôi cho rằng, trên cơ sở hiệu quả đạt được thì UBND địa phương cần có quyết định làm sao tăng nguồn lực triển khai biện pháp can thiệp, giảm xâm hại trẻ em.
Xin trân trọng cảm ơn ông!