Các chuyên gia đề xuất áp dụng thuế, phí cao hơn khi chọn dùng túi ni lông

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Tuyên chiến với rác thải nhựa'.

Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia, khách mời đã đề xuất tiến hành đồng thời 3 giải pháp: Hoàn thiện chính sách pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức và áp dụng khoa học, công nghệ một cách mạnh mẽ và quyết liệt để chống rác thải nhựa.

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

 Những bao tải phế liệu được xếp thành hàng dài ven bờ sông tại xã Quảng Phú Cầu (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Những bao tải phế liệu được xếp thành hàng dài ven bờ sông tại xã Quảng Phú Cầu (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, mới đây, tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc, trong đó giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Hưởng ứng phong trào này, nhiều bộ, ngành, đơn vị tiên phong “nói không với rác thải nhựa”.

Đặc biệt Chính phủ Việt Nam đã làm việc với các Đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền thay đổi hành vi.

Tuy nhiên, cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động.

Nhận định từ góc độ chuyên gia, bà Đặng Thị Kim Chi, GS.TS. Chủ tịch Hội đồng hóa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động.

Chính thói quen sử dụng phổ biến các sản phẩm này trong đại bộ phận người dân hiện nay đang gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Điều khiến bà Chi băn khoăn là việc người dân đang sử dụng túi ni lông như một thói quen trong tiêu dùng hàng ngày đã dẫn đến rác thải ngày càng tăng.

Đơn cử như Hà Nội, mỗi ngày thải ra khoảng 5.000 tấn rác, trong đó 7-8% là rác thải ni lông và nhựa khó phân hủy mà nguyên nhân là do các sản phẩm nhựa có giá thành rất rẻ và tiện dụng nên trở thành thói quen khó sửa, đặc biệt với những người nội trợ. 70% chất thải còn chôn lấp nên lượng rác thải nhựa tồn tại trong đất rất lớn, gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

“Trong tự nhiên, sản phẩm nhựa khó phân hủy tồn tại đến vài trăm năm, chính sự tồn tại này sẽ làm ảnh hưởng đến đất và nước. Tình trạng này thực sự rất đáng báo động, nếu chúng ta không nhìn thấy tác hại của túi ni lông đối với môi trường, đời sống, sức khỏe con người thì không chỉ thế hệ chúng ta hiện nay mà cả thế hệ sau này sẽ phải chịu ảnh hưởng” bà Chi nhấn mạnh.

Trước những sự ảnh hưởng nguy hại đó, bà Chi đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng tự giác giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và chuyển sang các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiến tới cấm sử dụng túi ni lông dùng một lần; giảm thiểu phát sinh chất thải nilon; tái chế ni lông thành các sản phẩm có tuổi thọ cao; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào tái chế, sản xuất sản phẩm thay thế đồ nhựa, túi ni lông dùng một lần...

Đồng quan điểm, bà Trần Thanh Phương - Phó Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho rằng, việc thay đổi nhận thức và thay đổi thói quen của người tiêu dùng về túi ni lông là rất khó. Do vậy, để thay đổi nhận thức, tạo thói quen tiêu dùng mới cho họ, cần phải chú trọng các giải pháp về kinh tế.

Từ đó, bà Phương đề xuất nhóm công cụ hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần, áp dụng thuế, phí cao hơn nếu vẫn chọn dùng túi ni lông; giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường; đưa ra chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp để đưa sản phẩm thay thế đến với cộng đồng.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cac-chuyen-gia-de-xuat-ap-dung-thue-phi-cao-hon-khi-chon-dung-tui-ni-long-99576.html