Các chuyên gia góp ý về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật
Ngày 2/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì tọa đàm chuyên gia một số nội dung phục vụ việc xây dựng chuyên đề 'Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam'.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã xin ý kiến, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm, xác định 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong giai đoạn 5 năm tới. Sáng mai 3/11, Đảng đoàn Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Có ý kiến đề nghị coi trọng công tác tổ chức thực hiện, tập trung vào chất lượng soạn thảo, phấn đấu để luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội, giảm bớt hoặc hạn chế ủy quyền lập pháp, hạn chế quy định chi tiết thi hành.
Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần công khai, minh bạch cả trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Vì, theo đánh giá tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thì hệ thống pháp luật còn rườm rà, cồng kềnh, hiệu lực thấp.
Vì vậy, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý đề nghị làm gọn lại hệ thống pháp luật, không phân biệt pháp luật Trung ương với pháp luật địa phương. Cụ thể, đưa nghị quyết liên tịch ra khỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vì trách nhiệm không rõ ràng. Đồng thời, cần tiến tới bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh đó, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong thực hiện pháp luật thì ý thức của người dân, sự tuân thủ pháp luật của người dân cũng cần được nhắc đến trong chiến lược.
Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, Tiến sĩ Uông Chu Lưu nhìn nhận, hai vấn đề mà chiến lược nêu ra có mối quan hệ rất biện chứng, gắn kết chặt chẽ với nhau. Nếu có một hệ thống pháp luật tốt, hoàn thiện nhưng việc tổ chức thi hành không tốt, không nghiêm minh, không được tôn trọng, thì pháp luật cũng chỉ nằm trên giấy.
Trong khi đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật là khâu yếu nhất, hạn chế nhất của nước ta hiện nay. Do đó, chiến lược nhất thiết phải nêu cả 2 vấn đề, vừa xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa tổ chức thi hành pháp luật.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam lại nhấn mạnh 3 khâu đột phá quan trọng, về chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hệ thống pháp luật; đột phá thực hiện pháp luật và đột phá phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao…
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.
Cụ thể gồm: Chuyên đề “Chiến lược lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; Chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN”; Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN”; Chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Đến nay, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện và gửi tới Ban chỉ đạo Trung ương chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN”. Chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đã được hoàn thiện, sẽ được Đảng đoàn Quốc hội nghiệm thu vào ngày 3/11.
Hai chuyên đề còn lại, trong đó có chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đang được tích cực triển khai để nghiệm thu trong thời gian tới.