Các chuyên gia 'mổ xẻ' về giáo dục sớm trong quá trình phát triển của trẻ
Ngày 28/12, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã tổ chức Hội thảo 'Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: Những cơ hội và thách thức' với sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực giáo dục sớm trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình phát triển những năm đầu đời làm nền tảng cho sự phát triển tinh thần và thể chất, văn hóa và trí tuệ của trẻ trong tương lai.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và bối cảnh triển khai giáo dục cá nhân hóa, phát triển các hệ thống học tập suốt đời, thì các tri thức, công cụ, phương tiện cho giai đoạn phát triển sớm của trẻ được diễn ra một cách an toàn, lành mạnh và có lợi nhất ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết.
Nói về Giáo dục sớm (GDS), PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, GDS hay phương pháp GDS được hiểu là cách thức, là quá trình tác động lên trẻ giai đoạn từ 0-6 tuổi nhằm kích hoạt vỏ não đặc biệt là não phải, từ đó giúp khơi dậy, phát huy những tiềm năng sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ. Chính vì vậy, GDS bắt đầu ngay từ trong thai kỳ, khi thai nhi phát triển đầy đủ các giác quan để đón nhận mọi kích thích từ môi trường bên ngoài.
TS. Trần Thành Nam cũng cho biết, nói đến GDS là nói đến việc đánh thức năng lực tiềm ẩn và vô hạn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (bộ não đang phát triển) bởi bản chất của GDS là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, nhưng phải được được kích thích và rèn luyện một cách phù hợp nhằm nâng cao tố chất cơ bản, nó không nhằm tích lũy kiến thức và khác hoàn toàn với giáo dục thông thường. Với ý nghĩa và giá trị của nó GDS luôn được các nhà giáo dục quan tâm đặc biệt trong thời đại công nghệ số.
Mặc dù quan tâm tới lĩnh vực này, tuy nhiên, TS. Nam cũng cho biết một thực tế là, từ 2017 đến nay các phương pháp như Montessori, Steam, Reggio Emilia… luôn được các nhà giáo dục và giáo dục mầm non quan tâm, tuy nhiên, các nghiên cứu về GDS trong thời đại công nghệ chưa được nghiên cứu chuyên sâu.
Tại Hội thảo, các Giáo sư, Tiến sĩ đã mang tới các báo cáo, tham luận với hy vọng mở ra những cánh cửa mới cho giáo dục mầm non ở Việt Nam, như: tham luận "Dạy học bằng hình thức sân khấu hóa" của GS. TS. Yoshiko Fujita (Trường ĐH Shukutoku, Nhật Bản); tham luận của PGS.TS. Trần Thành Nam, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh với chủ đề xây dựng và thực hiện Thang đo phát triển trẻ mầm non Việt Nam (EAP-ECDS); báo cáo của TS. Trần Thành Nam về Bộ công cụ theo dõi sự phát triển của trẻ em Việt Nam từ 36-60 tháng ASQ-3: Nghiên cứu về độ hiệu lực;...
Bên cạnh các tham luận, tại Hội thảo, các diễn giả cũng trao đổi, chia sẻ học thuật về các công bố của mình, cho thấy những vấn đề và xu hướng giáo dục sớm trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là cơ hội để các cá nhân, tổ chức quan tâm đến giáo dục sớm cùng thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu cũng như các kinh nghiệm trong quá trình vận dụng giáo dục sớm trong thực tế giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường.
Hội thảo Quốc tế Giáo dục sớm được Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm nhằm trao đổi học thuật và công bố những kết quả nghiên cứu mới về lĩnh vực giáo dục sớm trong thời đại công nghệ; đặc biệt tiếp cận xu hướng, phương pháp giáo dục sớm trên thế giới và thực tiễn áp dụng vào Việt Nam.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, thầy cô giáo, học viên trong và ngoài nước chia sẻ những nghiên cứu về thực trạng và phương pháp giáo dục sớm hiện nay; thực tế vận dụng và hiệu quả các phương pháp giáo dục sớm; ứng dụng công nghệ trong giáo dục sớm và mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo dục sớm ở Việt Nam và quốc tế; thảo luận về vấn đề xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn lực đảm bảo chất lượng trong giáo dục hòa nhập, can thiệp sớm; đề xuất giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng nghiên cứu và các mô hình giáo dục sớm hiện nay.
Với mong muốn kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về lĩnh vực GDS trong thời đại công nghệ; đặc biệt tiếp cận xu hướng, phương pháp GDS trên thế giới và thực tiễn áp dụng vào Việt Nam, Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng phát triển lĩnh vực GDS nằm trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Đây cũng là diễn đàn quốc tế để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, lĩnh vực GDS nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nội dung Hội thảo tập trung vào bốn chủ đề chính: (1) Thực trạng và phương pháp GDS hiện nay; (2) Thực tế vận dụng và hiệu quả các phương pháp GDS; (3) Đào tạo và nguồn nhân lực GDS; (4) GDS cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Ban tổ chức đã nhận được 80 tóm tắt, 60 bài viết, 40 bài được chọn lọc và đăng trong kỷ yếu Hội thảo, trong đó có 7 bài tiếng Anh.
Hội đồng khoa học và Ban biên tập là các giáo sư, nhà khoa học có uy tín và chuyên môn sâu trong lĩnh vực giáo dục nói chung, lĩnh vực GDS nói riêng.