Các cổ phiếu nào 'hóa rồng' năm 2024?
Nền kinh tế 2024 dự báo khó khăn, do đó hoạt động đầu tư chứng khoán cần có chọn lọc cổ phiếu ở các nhóm ngành với những câu chuyện riêng và có khả năng 'hóa rồng'.
Nhóm thép bứt tốc được đặt kỳ vọng lớn
Năm 2024, giới phân tích kỳ vọng xu hướng phục hồi của thị trường thép sẽ tiếp diễn, nhưng tốc độ có thể chậm do các khó khăn của thị trường bất động sản chưa được tháo gỡ triệt để.
“Nhóm ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất trong năm vừa qua và đang trong quá trình hồi phục. Cơ hội lớn sẽ đến với những doanh nghiệp đầu ngành nhiều hơn và có thể năm sau là năm đáng chú ý với ngành thép. Dù giá nhiều cổ phiếu nhóm ngành thép đã phục hồi 15 - 20% trong giai đoạn cuối năm nhưng cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này vẫn còn và có thể kéo dài qua năm 2024”, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nêu quan điểm.
Trước biến động của giá thép trong năm 2023, giá cổ phiếu thép đã phục hồi mạnh kể từ đầu năm, vươn tới vùng đỉnh cũ của đầu tháng 9/2023, tuy nhiên còn cách khá xa so với đỉnh của năm 2021.
Tiềm năng tăng trưởng cho giai đoạn tới của nhóm này được ghi nhận từ 8 - 10%, đặc biệt nửa đầu năm 2024. Điển hình có thể kể đến như HPG, HSG, NKG,… Trong đó, “cổ phiếu quốc dân” HPG của Hòa Phát liên tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại, đi ngược với xu hướng bán ròng của thị trường.
Theo SSI Research, HPG hiện đang giao dịch ở mức P/E dự phóng cho năm 2023/2024 lần lượt là 22,5x và 12,4x. EV/EBITDA dự phóng cho năm 2023/2024 lần lượt là 8,5x và 6,8x. SSI Research cho rằng HPG đã điều chỉnh về mức hấp dẫn hơn, tuy nhiên sẽ phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn do giá nguyên liệu đầu vào có độ biến động cao và tốc độ phục hồi nhu cầu vẫn còn một số yếu tố khó dự báo trong ngắn hạn.
Về triển vọng giai đoạn 2024-2025, VNDirect đánh giá Hòa Phát đang có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. VNDirect dự báo doanh thu của tập đoàn năm 2024 sẽ đạt 130.145 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2023) và lợi nhuận ròng đạt 14.202 tỷ đồng (tăng 120% so với năm 2023). Sang năm 2025, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đầu ngành thép có thể đạt 23.316 tỷ đồng.
Tương tự, SSI Research cũng đã điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận năm 2024 của Hòa Phát lên 11.200 tỷ đồng (tăng 82% so với năm 2023), chủ yếu do điều chỉnh tăng ước tính sản lượng tiêu thụ. Theo đó, SSI Research giả định sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC sẽ lần lượt đạt 4,24 triệu tấn và 2,9 triệu tấn (tăng 15,3% và 4,7% so với năm 2023).
Nhóm cổ phiếu “vua” hấp dẫn cho đầu tư dài hạn
Năm tới thách thức vẫn hiện hữu đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng tích cực bởi cổ phiếu ngân hàng đang được định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu và có chất lượng tài sản ở mức tốt để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm đón đầu con sóng hồi phục.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị 3 mã cổ phiếu tiềm năng là MBB, STB và VIB. Cụ thể, VCBS cho rằng MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn bình quân ngành khoảng 1,5 - 2 lần, nhờ việc nhận chuyển giao ngân hàng Oceanbank.
Đồng thời, NIM kỳ vọng cải thiện theo đà giảm của chi phí vốn và CASA 34% cao nhất ngành, dự kiến tiếp tục được cải thiện trong năm 2024 nhờ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hạ nhiệt. Cuối cùng là tỷ lệ NPL bảo đảm quanh ngưỡng dưới 2%. Theo đó, VCBS kỳ vọng MBB đạt 25.184 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 37%.
Kế tiếp là STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), VCBS kỳ vọng Sacombank sẽ đẩy nhanh quá trình đấu giá tài sản đảm bảo là bất động sản và chào bán thành công 32,5% cổ phần STB do VAMC quản lý trong nửa đầu năm sau. Nếu thương vụ thành công, ngân hàng sẽ trở lại với cuộc đua thật mạnh mẽ vì có thể giải quyết cùng lúc 2 vấn đề về nợ xấu tồn đọng và chủ sở hữu. Do đó, VCBS định giá cho STB là 37.719 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 30%.
Với VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, VCBS kỳ vọng VIB phát huy hiệu quả từ cơ cấu cho vay bán lẻ. Ngân hàng có hệ số ROE tới 30%, cao bền vững suốt nhiều năm qua. Tính đến hết quý 3/2023, số dư trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 835 tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ tín dụng, áp lực nợ xấu rất thấp. VCBS dự báo VIB có thể tăng giá 23%, đạt 23.596 đồng/cổ phiếu.
Ở một chiều hướng khác, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị mua cổ phiếu CTG với giá mục tiêu cho năm 2024 là 40.900 đồng/cổ phiếu. KBSV cho rằng, sang năm 2024, NIM của VietinBank sẽ được cải thiện và đạt 3% nhờ các khoản huy động khách hàng lãi suất cao từ quý 4/2022 đến quý 1/2023 kỳ hạn 6 - 12 tháng đáo hạn; thanh khoản dồi dào sẽ duy trì lãi suất huy động ở mức thấp; CASA được cải thiện.
Nhóm dầu khí được hưởng lợi nhờ câu chuyện ngành
Tại nhóm dầu khí, trong ngắn hạn, câu chuyện ngành vẫn xoay quanh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Lô B - Ô Môn. Nhóm doanh nghiệp thượng nguồn đảm bảo tăng trưởng ổn định 10 – 15% trong 3 năm tới. Nhu cầu khí phục vụ sản xuất điện đến năm 2030 dự kiến tăng gấp 2 lần hiện tại. Theo quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, điện khí sẽ trở thành nguồn điện chính và công suất nguồn tăng gấp 2 lần cuối năm 2022.
Về dài hạn, ngành khí sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trưởng nhanh trong 10 năm. Giai đoạn 2022-2035 sẽ đẩy mạnh phát triển nhiệt điện khí bù lượng điện thiếu hụt. Định hướng quy hoạch điện VIII cũng lấy điện khí làm trọng tâm phát triển, mở ra chu kỳ mới của ngành.
Các cổ phiếu được kỳ vọng trong nhóm này có BSR, GAS, PVS.
Với BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn, BSR dự kiến niêm yết trên HoSE năm tới, hứa hẹn tăng thanh khoản cho cổ phiếu và tăng khả năng huy động vốn cho dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Giá dầu trung bình năm 2024 ước tính dao động ở mức cao, sẽ tiếp tục giúp kết quả kinh doanh thực tế được duy trì ở mức ổn định cao hơn so với kế hoạch.
Với GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam, giá LNG trên thị trường thế giới có xu hướng ổn định trong năm 2024 là điều kiện thuận lợi để kho LNG Thị Vải bước vào giai đoạn vận hành, chạy thử, tạo tiền đề cung cấp khí ổn định cho đối tác Nhơn Trạch 3&4 trong năm 2024.
Dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô môn khi có quyết định đầu tư cuối cùng (FID), với sản lượng khai thác dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn doanh thu lớn ước tính hơn $7 tỷ trong suốt quá trình vận hành.
Hay như với PVS của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, trong ngắn hạn, sự ổn định của hoạt động FPSO/FSO sẽ tiếp tục đóng góp vào hoạt động kinh doanh của PVS. Lợi nhuận từ hoạt động FPSO/FSO sẽ tiếp tục đóng góp trên 50% lợi nhuận trước thuế của PVS.
Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, nếu FID được phê duyệt sẽ giúp PVS có thể ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng với giá trị ước đạt 1 tỷ USD bắt đầu tư năm 2024. PVS có thể sẽ hưởng lợi từ dự án mỏ Lạc Đà Vàng Lô 15-1/05 với gói đấu thầu xây dựng 1 giàn xử lý trung tâm và 1 giàn đầu giếng với tổng giá trị hợp đồng là 283 triệu USD.