Các cơ quan, đơn vị tổng kết hoạt động năm 2024
BHG - Sáng 26.12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang phối hợp với tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (FFI) tại Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý Dự án bảo tồn Voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Hiện nay, số lượng Voọc mũi hếch trên địa bàn tỉnh có khoảng 180 cá thể, sinh sống chủ yếu tại Vườn Quốc gia Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là một trong những loài linh trưởng quý hiếm trên thế giới, chỉ có ở Hà Giang, đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.
Nhằm thực hiện tốt Dự dự án bảo tồn Voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng, năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường phối hợp với Tổ chức FFI và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, phát triển Voọc mũi hếch. Nổi bật như: Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng được các đơn vị triển khai, thực hiện hiệu quả dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức các lễ hội, hội thi, cuộc họp thôn, phát lịch treo tường. Công tác tuần tra bảo vệ rừng và xử lý vi phạm được các đơn vị tăng cường thực hiện. Trong năm, lực lượng tuần tra đã phát hiện 4 vụ việc vi phạm tại khu vực dự án, giảm 3 vụ việc so với năm 2023. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tham gia trồng và hỗ trợ cho các địa phương vùng dự án hơn 21.000 cây giống phục vụ công tác phát triển rừng; hỗ trợ 2 mô hình sinh kế tại huyện Quản Bạ với quy mô 4 ha; hướng dẫn nhóm vườn ươm Tùng Vài thu hái hạt và gieo ươm được 10.000 cây dổi chanh, dổi na phục vụ công tác bảo tồn thực vật quý hiếm.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án bảo tồn Voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng, tập trung vào các lĩnh vực như: Truyền thông, công tác kiểm tra, giám sát, phát triển vùng đệm, xử lý vi phạm…
Năm 2025, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục phối hợp với Tổ chức FFI tập trung triển khai, thực hiện các nội dung trong Quy chế phối hợp về công tác bảo vệ rừng đặc dụng và Voọc mũi hếch tại Vườn Quốc gia Du Gia – Cao nguyên đá Đồng Văn; hỗ trợ xây dựng và thực hiện các kế hoạch quản lý cảnh quan đa dạng sinh học; nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ của lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách; tăng cường các đợt kiểm tra, điều tra, giám sát số lượng Voọc mũi hếch hiện có trên địa bàn.
Tin, ảnh: TRẦN KẾ
* Sáng 26.12, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tổ chức Tọa đàm kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26.12 và tổng kết công tác dân số - KHHGĐ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống của ngành Dân số Việt Nam và nghe báo cáo tổng kết công tác Dân số - KHHGĐ năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Năm 2024, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch; thực hiện kịp thời các chính sách về công tác dân số của Đảng, Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, 193 xã phường, thị trấn trong tỉnh có cán bộ dân số, 2.123 cộng tác viên dân số đang hoạt động. Trong năm, ngành đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn, nhờ đó, kết quả thực hiện giảm sinh đạt 2,56%, đạt 640% kế hoạch giao; tổng số người áp dụng các biện pháp tránh thai là trên 24 nghìn người. Chi cục cũng chỉ đạo cấp phát 82.030 phương tiện tránh thai cho trung tâm y tế các huyện, thành phố. Chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và tại cơ sở về công tác dân số. Nhiều mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai như: Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đến nay, duy trì hoạt động sinh hoạt định kỳ hàng tháng 78 câu lạc bộ tiền hôn nhân trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút 2.070 thành viên tham dự; khám, siêu âm sàng lọc trước sinh trên 5.700 ca, đạt 96,6%; duy trì hoạt động 127 câu lạc bộ người cao tuổi, tổ chức sinh hoạt định kỳ 1.339 buổi với 13.882 thành viên tham gia.
Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác dân số như: Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp không ổn định; việc triển khai thực hiện các hoạt động về dân số và phát triển tại cơ sở bị gián đoạn, chậm tiến độ. Cộng tác viên dân số thôn, bản hoạt động kém hiệu quả, chế độ thù lao không được hỗ trợ từ chương trình.
Với mục tiêu "Huy động mọi nguồn lực để duy trì đà giảm sinh, giảm sinh con thứ 3, giữ ổn định tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh", tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể: Giảm 0,4% tỷ suất sinh thô; giảm 0,5% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; số ca được sàng lọc trước sinh đạt 6.500 ca; số ca được sàng lọc sơ sinh đạt 4.400 ca; tăng 5% tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn...