Các công nghệ dân sự đang được quân đội Mỹ ứng dụng
Nhiều công nghệ dân sự dùng hằng ngày có nguồn gốc từ quân sự. Chẳng hạn tín hiệu GPS rất quan trọng với giao thông vận tải là sản phẩm của cuộc đua không gian những năm 1950 và 1960, hay máy bay không người lái phục vụ nhiều ngành nghề hiện nay bắt nguồn từ phương tiện không người lái được phát minh vào Thế chiến thứ nhất.
Chiến tranh cùng xung đột thường thúc đẩy sự đổi mới, dẫn đến mối quan hệ cộng sinh giữa 2 lĩnh vực quân sự và dân sự. Với tư cách cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, Mỹ hiểu rõ mối quan hệ này nên không ngần ngại đầu tư mạnh tay cho khoa học - công nghệ, cũng như dựa vào Thung lũng Silicon để phát triển và ứng dụng công nghệ dân sự vào chiến tranh lẫn nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
AI mới trỗi dậy mạnh mẽ vài năm gần đây, nhưng Lầu Năm Góc đã ứng dụng công nghệ này trong nhiều thập kỷ. Hiện nay họ đang hợp tác với các công ty công nghệ để tích hợp AI vào cơ sở hạ tầng quốc phòng, dùng AI trong loạt ứng dụng quân sự như trinh sát, tình báo, điện toán, an ninh mạng. Ngoài thực địa, AI giúp xác định mục tiêu thậm chí tự động hóa phương tiện cùng vũ khí.

AI có thể tự động hóa phương tiện lẫn vũ khí - Ảnh: Derek Davis/Staff photographer // Getty Images
Dù có thể làm giảm sai sót ở nhiệm vụ phức tạp và nâng cao mức độ an toàn cho quân đội, AI vẫn chưa hoàn hảo. Hơn nữa còn có lo ngại về mặt đạo đức về việc sử dụng AI cho mục đích quân sự. Gia tăng phụ thuộc AI đem đến nguy cơ leo thang xung đột nhanh chóng lẫn bất ổn liên quan đến vũ khí hạt nhân. Khả năng công nghệ nhận dạng khuôn mặt gặp sự cố gây ra thương vong ngoài ý muốn cũng là một lo ngại khác.
Mã QR
Năm 1994, công ty của Nhật Bản là Denso Wave phát triển mã QR để thay thế mã vạch. Từ đó đến nay ô vuông trắng đen với họa tiết phức tạp này xuất hiện trên mọi thứ từ hàng hóa, quảng cáo đến tài liệu. Mã QR lưu trữ được nhiều thông tin hơn mã vạch, vẫn hoạt động dù bị bẩn hay hư hại.
Công nghệ này rất phù hợp với môi trường quân sự. Mã QR đang dần thay thế chìa khóa nhiên liệu (hệ thống kiểm soát hoạt động tiếp liệu cho phương tiện hoặc trang thiết bị) tại căn cứ quân sự Mỹ trên toàn thế giới. Chúng đem lại khả năng bảo mật cao hơn, cho phép theo dõi nguồn lực kịp thời.
Thủy quân lục chiến Mỹ còn triển khai mã QR nhằm cải thiện hiệu quả bảo trì trong doanh trại. Hệ thống gửi yêu cầu bảo trì QSRMax giúp tăng trách nhiệm giải trình, giảm bớt công việc hành chính.

Mã QR cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự - Ảnh: Canva
Điện toán đám mây
Nhiều lĩnh vực thu thập lượng lớn dữ liệu đang chuyển từ lưu trữ có dây sang điện toán đám mây. Cuối năm 2022, Lầu Năm Góc ký với Google, Amazon Web Services, Microsoft, Oracle các hợp đồng tổng giá trị 9 tỉ USD để phát triển năng lực lưu trữ đám mây cho quân đội trực tiếp từ nhà cung cấp, dùng song song với loạt dịch vụ hiện tại. Như vậy hoạt động tác chiến lẫn quản trị mọi cấp độ đều dễ truy cập thông tin.
Khi chuyển sang điện toán đám mây, số trang thiết bị mà binh sĩ phải mang theo ra chiến trường sẽ giảm đi. Chi phí bảo trì thiết bị lưu trữ vật lý vì vậy cũng giảm.
In 3D
Ngành sản xuất dân sự đã sử dụng công nghệ in 3D từ lâu, cách mạng hóa quy trình sản xuất từ tạo mẫu đến chế tạo linh kiện hoàn chỉnh. Trong quân đội, máy in 3D cũng rất có ích cho công tác bảo trì - sửa chữa. Linh kiện xe, máy bay lẫn vũ khí đều có thể được in ra.