Các công ty châu Âu sẽ phải đưa ra một lựa chọn đầy khó khăn liên quan tới khí đốt Nga, những nhà phân tích của tờ báo tiếng Trung Sohu đã đưa ra nhận định nêu trên.
Ấn phẩm Trung Quốc chú ý đến những lời của Cao ủy châu Âu về năng lượng Kadri Simpson, khi bà kêu gọi các công ty tại EU từ bỏ hoàn toàn việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga và không gia hạn các hợp đồng hiện có.
Theo quan điểm của bà Simpson, mặc dù khí đốt hóa lỏng không nằm trong bất kỳ lệnh trừng phạt nào, nhưng Liên minh châu Âu vẫn phải tìm các giải pháp thay thế cho sản phẩm của Nga.
“Nhưng lời kêu gọi này của cao ủy châu Âu chỉ là một lời nói suông, bởi vì trên thực tế, vào năm 2022, việc Liên minh châu Âu mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga đã đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian 3 năm”, các nhà phân tích từ Trung Quốc lưu ý.
Trong năm qua, 27 quốc gia thuộc khối EU đã nhập khẩu tổng cộng tới 19,2 tỷ mét khối LNG của Nga, tăng 35% so với năm 2021, khi họ chỉ mua 14,2 tỷ mét khối.
Và mặc dù vị Ủy viên châu Âu gợi ý rằng sẽ không khó để tìm ra sản phẩm thay thế cho khí đốt của Nga và ý tưởng này có vẻ khả thi, nhưng thực tế thì điều đó không hoàn toàn chính xác.
Theo tác giả bài viết trên tờ Sohu, cần lưu ý rằng Liên minh châu Âu thực sự đã thay đổi hướng mua gần đây, khi EU nỗ lực nhập khí đốt tự nhiên từ Mỹ và Qatar. Nhưng so với đối tác Nga, hàng hóa từ các nhà cung cấp khác đắt hơn đáng kể.
Tờ báo Trung Quốc nhắc nhở rằng trong năm 2022, giá nhiên liệu xanh ở châu Âu thậm chí đã tăng lên 244 Euro trên mỗi megawatt giờ, thiết lập một kỷ lục mới và đắt hơn nhiều lần so với giá ở Mỹ.
“Châu Âu nói rằng không sao cả khi họ có tiềm lực tài chính vững mạnh. Tuy nhiên những gì diễn ra có thực sự dễ dàng như vậy?", các nhà phân tích đến từ Trung Quốc đặt ra câu hỏi.
Vấn đề nằm ở chỗ không chỉ là tăng giá khí đốt đối với các hộ gia đình mà còn rắc rối hơn khi công ty châu Âu sẽ khó duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, trong khi các nhà sản xuất tương tự của Mỹ nhận được khí đốt với giá thấp hơn nhiều.
Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến sự "phi công nghiệp hóa" hoàn toàn đối với Liên minh châu Âu. Hiện tại "đầu tàu" kinh tế của EU là nước Đức đang được "nếm trải" cảm giác này trước tiên và nhiều nhất.
Theo nhận xét của tờ Sohu, sớm hay muộn, Liên minh châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trầm trọng.
Trên thực tế, các công ty châu Âu hiện đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: họ sẽ phải cân nhắc những ưu và nhược điểm và quyết định cách tiến hành.
Hoặc các doanh nghiệp sẽ đi theo sự chỉ đạo của cao ủy châu Âu - người yêu cầu từ bỏ LNG hiệu quả về chi phí từ Nga, hoặc họ sẽ ưu tiên lợi ích của mình hơn là các trò chơi chính trị.