Các công ty dầu khí Nga có nên tiếp tục 'phiêu lưu' tại Libya?

Libya đang sẵn sàng hợp tác với các công ty dầu khí từ Nga. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, các tập đoàn dầu khí có thể hoạt động thành công trong điều kiện quyền lực kép (đất nước bị kiểm soát bởi hai thế lực chính trị quân sự), đặc biệt là khi rủi ro đụng độ vũ trang luôn ở mức cao tại quốc gia Bắc Phi này.

Phó Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Chính phủ Hiệp ước quốc gia (PNC) của Libya Ahmed Maityg mới đây đã có chuyến thăm và làm việc tại Mátxcơva, LB Nga. Ông Ahmed Maityg hy vọng sự trở lại của các công ty dầu khí Nga như Tatneft, Gazprom, Rosneft trên lãnh thổ Libya. Lời đề nghị này sẽ thật hấp dẫn đối với các công ty dầu khí Nga nếu quốc gia này không vướng vào cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm. Hiện có hai thế lực chính trị quân sự đang kiểm soát tại Libya: PNC kiểm soát phía tây đất nước từ thủ đô Tripoli, được Liên hợp quốc công nhận và Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, kiểm soát phía đông đất nước. Đầu năm 2021, nhiều công ty dầu khí trên thế giới bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động ở Libya khi nước này khôi phục hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu. Vậy cơ hội cho các công ty dầu khí của Nga Libya là gì và các công ty Nga có thực sự cần dành thời gian và nguồn lực để hoạt động ở quốc gia này ?

Bản đồ các khu vực do các lực lượng kiểm soát vào thời điểm thang 1 năm 2020

Bản đồ các khu vực do các lực lượng kiểm soát vào thời điểm thang 1 năm 2020

Sau khi cuộc nội chiến ở Libya nổ ra vào năm 2011, các công ty dầu khí nước ngoài đã rời khỏi đất nước này. Tại thời điểm đó, sản lượng khai thác dầu thô trung bình của Libya đạt 1,65 triệu thùng/ngày. Cho đến những ngày gần đây, sau gần 6 tháng đình chiến, sản lượng khai thác dầu thô của Libya đã hồi phục ở mức 1,25 triệu thùng/ngày. Về mặt lý thuyết, Libya có thể nhận được sự quan tâm của các nhà sản xuất dầu khí Nga, nhất là khi một số đã hoạt động ở Libya cho đến khi Đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ.

Vào năm 2005, Tatneft đã thắng thầu để phát triển một lô dầu khí ở lưu vực Ghadames. Đến năm 2006, hãng tiếp tục thắng thầu ở ba lô dầu khí nữa tại Ghadames và lưu vực Sirte. Vào đầu cuộc nội chiến ở Libya, Tatneft đã khoan được ba giếng và ký thỏa thuận với chính phủ nước này về việc thăm dò các mỏ trong vòng 30 năm.

Năm 2007, Gazprom đã thành lập công ty Gazprom Libya, hoạt động tại Libya và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC). Cùng năm đó, Gazprom nhận được giấy phép thăm dò một số lô dầu khí triển vọng: N64 (phía nam Tripoli), N19 (thềm lục địa Địa Trung Hải). Gazprom cũng trở thành chủ sở hữu 49% cổ phần khai thác tại các lô C96, C97, trước đây thuộc sở hữu của Wintershall AG. Vào đầu năm 2011, Gazprom thậm chí còn đạt được thỏa thuận mua lại cổ phần dự án tại mỏ Elephant từ phía Eni (Italia).

Nhân viên Tatneft làm việc tại Ghadames Basin, Lybia

Nhân viên Tatneft làm việc tại Ghadames Basin, Lybia

Sau khi cuộc nội chiến bắt đầu nổ ra, tất cả các thỏa thuận dầu khí với Libya thực tế đã bị vô hiệu hóa, song các công ty dầu khí Nga vẫn giữ lại một số liên hệ nhất định ở quốc gia này. Ngoài Tatneft và Gazprom, Rosneft cũng đã “bước chân” và Libya ngay tại thời điểm diễn ra chiến sự. Tháng 02/2017, Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) đã đồng ý hợp tác thăm dò và sản xuất dầu ở Libya, cũng như mua dầu thô từ quốc gia Bắc Phi này. Vào năm 2018, lãnh đạo Libya NOC Mustafa Sanalla cho biết, công ty muốn nối lại liên hệ với Tatneft và Gazprom. Hãng cũng đã trình bày một kế hoạch cập nhật về các hoạt động thăm dò dầu khí ở Libya và bày tỏ mong muốn khôi phục các phần việc trước đây. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ giành được chỗ đứng ở Libya nhanh hơn. Nếu các công ty Nga không làm điều này ngay bây giờ, cơ hội sẽ đến với các tập đoàn từ các quốc gia khác. Quốc gia Bắc Phi này hiện đang đàm phán về cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2021. Nếu đến thời điểm đó, công ty nào ký thỏa thuận sơ bộ hoặc thậm chí hợp đồng được thực hiện với NOC thì sẽ giành được lợi thế lớn hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Một điểm quan trọng khác mà các chuyên gia lưu ý là sự trở lại tất yếu của dầu thô Libya trên thị trường hydrocacbon thế giới. Loại dầu này đã không xuất hiện trong gần một năm. Tuy nhiên, NOC cuối cùng đã có thể đạt được mức sản xuất vào cuối năm 2020 như mong đợi. Ngoài ra, liên minh OPEC + không đưa Libya vào danh sách các quốc gia cam kết hạn ngạch cắt giảm. Điều này sẽ hỗ trợ NOC duy trì sản lượng khai thác ở mức nhất định.

Các chuyên gia Nga nhận định, Chính phủ Nga hiện duy trì liên hệ chặt chẽ với tất cả các lực lượng đối lập ở Libya - với LNA và PNC. Một số quốc gia khác đang làm điều này hiện nay, nhưng không phải tất cả đều thành công như chính quyền Nga. Điều quan trọng đối với các tập đoàn dầu khí của Nga lúc này là ký hợp đồng với NOC, nhà điều hành sản xuất và vận chuyển dầu duy nhất ở Libya. Sau đó, vấn đề tiếp theo sẽ chỉ xoay quanh việc phân chia thu nhập dầu mỏ giữa các chính trị gia và quân đội của quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, việc đàm phán đồng thời với hai lực lượng đang mâu thuẫn gay gắt về phân chia nguồn thu từ dầu mỏ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tướng Khalifa Haftar của LNA đang kiểm soát hầu hết cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Libya, nhưng không có quyền truy cập vào nguồn thu từ dầu mỏ thông qua Ngân hàng Trung ương Libya. Phía PNC sở hữu ngân hàng này (được LHQ công nhận), nơi có thể thực hiện các giao dịch quốc tế nhưng lại không có quyền tiếp cận hầu hết các mỏ dầu.

Cho đến nay, hầu như không có sự cạnh tranh giữa các công ty dầu khí ở Libya như vào thời điểm trước năm 2011. Tháng 02/2017, Swiss Glencore đánh dấu sự hoạt động trở lại của các công ty dầu khí quốc tế ở Libya khi ký thỏa thuận mua 230.000 thùng dầu/ngày với NOC. Tiếp sau đó vào tháng 12/2019, Total đã khôi phục hoạt động của mình ở Libya khi mua lại 16,33% cổ phần dự án Waha Oil từ công ty dầu khí Marathon Oil. Total cho biết, hãng đang đầu tư 650 triệu USD vào dự án này nhằm tăng sản lượng khai thác lên 180.000 thùng/ngày. Các nhà sản xuất dầu khí Nga cũng đang tiến hành những bước đi thận trọng tại quốc gia giàu dầu mỏ này. Trong năm 2019, liên doanh WIAG giữa Wintershall Dea và Gazprom E&P International đã ký hai thỏa thuận với NOC để thăm dò các lô dầu khí 91 và 107 tại lưu vực Sirte. Cũng vào cuối năm 2020, Tatneft đã nối lại hoạt động thăm dò địa chất ở lưu vực Gedames.

Không đồng tình với quan điểm nhanh chóng quay khôi phục các hoạt động dầu khí ở Libya, chuyên gia Igor Yushov của Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga cho rằng, nếu xét từ góc độ doanh nghiệp dầu khí, trong đó cổ đông chính là nhà nước, thì việc đầu tư vào các dự án ở Libya không thực sự hợp lý. Từ quan điểm kinh tế, ngành dầu khí của Nga trên thị trường quốc tế không cần một đối thủ mới. Libya hiện không bị ràng buộc bởi hạn ngạch của OPEC+. Bên cạnh đó, sản xuất dầu khí tại Libya không chịu áp lực từ các chương trình nghị sự về môi trường. Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng dầu khí có thể nhanh chóng được khôi phục. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, chuyên gia Yushkov lưu ý, sẽ tốt hơn hết nếu những khoản đầu tư ở Libya hướng đến sự phát triển của ngành dầu khí ở chính LB Nga. Đó là những dự án mới cũng như đầu tư vào cải tiến công nghệ trong nước. Trước những ý kiến cho rằng, các tập đoàn như BP hay ExxonMobil đang tích cực hoạt động ở nhiều quốc gia, chuyên gia Yushkov nhấn mạnh, các tập đoàn dầu khí đa quốc gia nêu trên đầu tư vào ngành dầu khí của nhiều quốc gia bởi vì họ không có cơ sở tài nguyên và không có lựa chọn nào khác. Giả sử các tập đoàn trên được cung cấp cơ sở tài nguyên ở nước sở tại như một số nhà sản xuất Nga, liệu họ có tích cực đầu tư vào sản xuất dầu khí trên phạm vi toàn cầu hay không?

Thêm vào đó, những rủi ro lớn từ cuộc nội chiến ở Libya vẫn còn cao và có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Và ngay cả trước khi điều đó xảy ra, sự phản đối của người dân địa phương về phân chia doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu có thể gây ra những vấn đề lớn cho các nhà đầu tư. Tờ báo Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) từng đưa tin rằng, một công ty bất hợp pháp của tướng Haftar đang bán dầu bằng đường biển cho một nhà nhập khẩu ở UAE. Các giao dịch như vậy được thực hiện mà không có sự tham gia của NOC - đơn vị chịu trách nhiệm xuất khẩu dầu ở Libya. Cần lưu ý rằng, tướng Haftar đang kiểm soát phần phía đông đất nước Bắc Phi này, nơi có nhiều mỏ dầu nhất. Nếu Haftar tìm được đầu ra cho dầu thô khai thác của mình, NOC sẽ đánh mất vai trò kiểm soát hoạt động xuất khẩu dầu thô khi tập đoàn này không còn đủ cơ sở tài nguyên để thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu của mình.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-cong-ty-dau-khi-nga-co-nen-tiep-tuc-phieu-luu-tai-libya-599388.html