Các công ty khởi nghiệp Ấn Độ chạy đua IPO
Một vài trong số các công ty này thậm chí định giá cổ phiếu chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) thấp hơn so với vòng gọi vốn gần nhất để thu hút nhà đầu tư.
Sự thiếu hụt vốn tăng trưởng đang thúc đẩy các công ty khởi nghiệp (startup) Ấn Độ lên sàn chứng khoán, trong đó một vài trong số các công ty này thậm chí định giá cổ phiếu chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) thấp hơn so với vòng gọi vốn gần nhất để thu hút nhà đầu tư.
Nhà sản xuất xe điện Ola Electric Mobility và công ty bảo hiểm Go Digit General Insurance đã định giá IPO của họ lần lượt thấp hơn 22% và 13% so với định giá cuối cùng, ở mức 4,3 tỷ USD và 3,2 tỷ USD, khi các công ty này “lên sàn” vào ngày 9/8 và 23/5. Nhà bán lẻ chăm sóc trẻ em FirstCry giữ nguyên định giá ở mức khoảng 3 tỷ USD.
Các nhà phân tích dự đoán xu hướng này sẽ tiếp diễn khi một số công ty khởi nghiệp nổi tiếng chuẩn bị cho IPO. Trong số đó có công ty khởi nghiệp giao đồ ăn Swiggy, các công ty kho vận (logistics) BlackBuck và Ecomm Express, nhà điều hành không gian làm việc chung Smartworks và nền tảng thương mại điện tử tập trung vào doanh nghiệp OfBusiness. Tất cả đều dự kiến lên sàn vào năm 2025.
Ông Abhishek Basumallick, nhà sáng lập công ty đầu tư Intelsense của Ấn Độ, cho biết, việc ra mắt thị trường với định giá cao và sau đó bị tụt giá có thể gây rủi ro về danh tiếng.
Những định giá vừa phải này là một sự đảo ngược rõ rệt so với thời kỳ hoàng kim năm 2021, khi các startup địa phương lần đầu tiên lên sàn chứng khoán. Công ty giao đồ ăn Zomato đã tăng mức định giá của mình lên 56% đạt 8,6 tỷ USD, và nhà cung cấp dịch vụ tài chính Paytm tăng 25% lên 20 tỷ USD. Định giá của nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp Nykaa đã tăng gấp sáu lần lên khoảng 7,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, các công ty này đã bị chỉ trích sau khi cổ phiếu của họ giảm mạnh trong những tháng sau đó khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng với các doanh nghiệp thua lỗ. Sự hoài nghi này xuất phát từ những bất ổn kinh tế toàn cầu liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine và nỗi lo suy thoái ở Mỹ, dẫn đến sự sụt giảm rộng rãi trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của Zomato đã giảm xuống dưới mức giá niêm yết sáu tháng sau khi lên sàn và chỉ tăng trở lại mức giá niêm yết vào tháng 11/2023, trong khi Paytm hiện đang giao dịch ở mức khoảng 30% giá niêm yết.
Việc vội vàng thu hút thị trường chứng khoán diễn ra trong bối cảnh các startup đang phải đối mặt với một cú sốc kép. Đầu tiên là lãi suất cao đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân trở nên thận trọng với các định giá trên thị trường tư nhân. Một đợt bùng nổ đầu tư đã kéo dài hai năm đến năm 2022 và đã tạo ra 65 “kỳ lân”, hay các startup có giá trị hơn 1 tỷ USD. Nhưng hiện tại, mọi người không còn chạy đua với các giao dịch tư nhân, vốn thường rủi ro hơn nhiều so với các khoản tiền gửi ngân hàng và các công cụ tài chính khác. Điều này đã khiến các startup phải đối mặt với tình trạng khan hiếm tiền mặt và buộc phải cắt giảm chi phí để có lãi.
Theo dữ liệu của công ty Tracxn Technologies, vốn đầu tư giai đoạn tăng trưởng, thường được gọi là Series C trở lên trong ngôn ngữ của nhà đầu tư, đã giảm gần 50%, từ mức 29,81 tỷ USD trong năm 2021 xuống còn 15,51 tỷ USD vào năm 2022. Kể từ đó, mức giảm đã ngày càng sâu hơn, xuống còn 6,43 tỷ USD vào năm 2023 và 3,35 tỷ USD tính đến tháng 8/2024.
Các công ty khởi nghiệp phải đối mặt với thách thức vì hiện tại họ đang chịu áp lực phải mang lại các khoản thoái vốn có lãi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Những quỹ này đang cố gắng giữ chân các nhà đầu tư giàu có và các tổ chức lớn. Một mức giá IPO thấp hơn vòng gọi vốn cuối cùng trước khi lên sàn có thể làm chậm lại việc thoái vốn của các quỹ đầu tư đã đầu tư vào công ty trong các giai đoạn cuối.
Thứ hai là sự sụt giảm chung trên các thị trường tư nhân cũng đã làm giảm sức hấp dẫn của các giao dịch thứ cấp, khi các nhà đầu tư mới mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư hiện tại đang cố gắng đẩy định giá lên cao. Theo công ty tư vấn Bain & Co, các giao dịch thứ cấp chiếm 15% tổng số các khoản thoái vốn vào năm 2023, so với 20% vào năm 2021. Tỷ lệ các giao dịch trên thị trường công khai đã tăng từ 38% vào năm 2021 lên 55% vào năm 2023, phản ánh tâm lý trái ngược của thị trường tư nhân và công khai.
Các công ty khởi nghiệp Ấn Độ từ lâu đã dựa vào các quỹ chuyển đổi toàn cầu như Tiger Global Management và SoftBank Group để có vốn tăng trưởng, nhưng các nhà đầu tư này cũng đã giảm quy mô đầu tư khi khi danh mục đầu tư toàn cầu của họ bắt đầu gặp khó khăn.
Nhiều công ty khởi nghiệp lớn với định giá hàng tỷ USD đang đối mặt với áp lực. Trong số đó có công ty khởi nghiệp giáo dục trực tuyến Byju's, hiện đang đối mặt với quy trình phá sản, trong khi định giá của nhà thuốc trực tuyến PharmEasy và công ty thương mại điện tử Udaan đã bị cắt giảm trong các vòng gọi vốn mới.
Trong khi các nguồn vốn tư nhân cạn kiệt, thì thị trường công khai lại khá dồi dào. Chỉ số chứng khoán chính của Ấn Độ Sensex đã vượt trội so với các đối thủ hàng đầu ở châu Á, tăng 71% kể từ tháng 1/2021. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 27% trong thời gian này, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 40% và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 23%.
Theo ICICI Direct, một công ty giao dịch chứng khoán, Ấn Độ đang tràn ngập các nhà đầu tư mới háo hức tận dụng thị trường đang tăng trưởng, dẫn đến nguồn vốn dồi dào và nhu cầu ngày càng tăng đối với các cổ phiếu mới. Số lượng tài khoản giao dịch ở Ấn Độ đã tăng gấp 4,4 lần, từ 36 triệu trong tháng 3/2020 lên 160 triệu tính đến tháng 6/2024.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-cong-ty-khoi-nghiep-an-do-chay-dua-ipo/347252.html