Các công ty Mỹ đang dịch chuyển sản xuất về nước

Hơn 75% doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho biết họ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, nói rằng việc tăng chi phí liên quan là một trong những yếu tố nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Họ đang di chuyển chuỗi cung ứng hoặc muốn di chuyển nhanh hơn so với kế hoạch.

Vào ngày 24/8, ngay sau khi Trung Quốc ra quyết định áp thuế lên hàng hóa Mỹ, Tổng thống Trump đã có biện pháp trả đũa bằng việc tăng thuế và lệnh cho các công ty Mỹ chuẩn bị các phương án rời Trung Quốc, dịch chuyển sản xuất về nước Mỹ.

Ước tính của Viện nghiên cứu Rhodium Group cho thấy, các công ty Mỹ đã rót tổng cộng 256 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc giai đoạn 1990-2017, cao hơn nhiều so với con số 140 tỷ USD mà doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào Mỹ.

Một số doanh nghiệp Mỹ đã rục rịch rời Trung Quốc trước khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra vào giữa năm 2018. Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn hoạt động và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là việc rất mất thời gian. Nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực hàng không, dịch vụ và bán lẻ vẫn chưa muốn rời khỏi Trung Quốc - một thị trường không chỉ lớn về mặt quy mô mà có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang như vậy thì việc buộc các doanh nghiệp Mỹ trở về nước cũng là một trong những chiêu bài của Tổng thống Mỹ.

Hiện nay, Tổng thống Mỹ đang có trong tay đủ các công cụ để buộc các doanh nghiệp trong nước quay trở về nội địa. Trước hết, Tổng thống Trump vẫn có thể tung đòn thuế quan mạnh tay hơn, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ sụt giảm và buộc phải rời Trung Quốc nếu muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Các miếng đòn thuế quan không những khiến hàng hóa, linh kiện nhập từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, mà còn giáng vào các công ty Mỹ đang sản xuất hàng hóa qua hình thức liên doanh với đối tác ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Trump có thể công bố các lệnh trừng phạt Trung Quốc như cách đã làm với Iran. Trong đó, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) năm 1977. Một khi tình trạng khẩn cấp được ban hành, Đạo luật IEEPA cho phép ông Trump “cấm cửa” hoạt động của doanh nghiệp tư nhân của Mỹ tại Trung Quốc.

Một biện pháp nữa mà chính quyền Tổng thống Trump có thể áp dụng là cấm doanh nghiệp Mỹ tham gia các hợp đồng mua sắm liên bang nếu họ hoạt động làm ăn ở Trung Quốc. Biện pháp này có thể nhằm vào doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, đơn cử như Boeing - nhà sản xuất vũ khí chủ chốt cho Lầu Năm Góc và cũng là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Hiện nay Boeing đã khánh thành nhà máy hoàn thiện máy bay 737 đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2018.

Trên thực tế, theo một cuộc khảo sát của QIMA được công bố vào giữa tháng 7, kết hợp dữ liệu được thu thập thông qua hàng chục ngàn cuộc kiểm tra và kiểm toán được thực hiện bởi hơn 150 công ty trong ngành hàng tiêu dùng. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 75% doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho biết họ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, nói rằng việc tăng chi phí liên quan là một trong những yếu tố nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Họ đang di chuyển chuỗi cung ứng hoặc muốn di chuyển nhanh hơn so với kế hoạch.

Thái Hồng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cac-cong-ty-my-dang-dich-chuyen-san-xuat-ve-nuoc-91494.html