Các công ty tiền điện tử đua nhau củng cố vị thế ngân hàng tại Hoa Kỳ

Các công ty tiền điện tử đang chạy đua để mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng truyền thống tại Mỹ, nhằm tận dụng môi trường pháp lý thân thiện hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump và trở nên gắn kết sâu hơn với hệ thống tài chính.

Đua nhau thiết lập chỗ đứng trong ngành ngân hàng Mỹ

Các công ty như Ripple (chuyên về thanh toán tiền điện tử), Circle (phát hành stablecoin) và BitGo (dịch vụ lưu ký) đã nộp đơn xin giấy phép ngân hàng ủy thác quốc gia, cho phép họ cung cấp một số dịch vụ ngân hàng. Trong khi đó, sàn giao dịch tiền điện tử Kraken dự kiến ra mắt thẻ ngân hàng trong tháng tới.

Công ty Circle có trụ sở tại New York cho biết việc đạt được điều lệ tín thác ngân hàng quốc gia sẽ là "một bước tiến có ý nghĩa" trong việc tích hợp tài sản kỹ thuật số vào hệ thống tài chính rộng lớn hơn.

Công ty Circle có trụ sở tại New York cho biết việc đạt được điều lệ tín thác ngân hàng quốc gia sẽ là "một bước tiến có ý nghĩa" trong việc tích hợp tài sản kỹ thuật số vào hệ thống tài chính rộng lớn hơn.

"Sự hội tụ này là điều tự nhiên", đồng Giám đốc điều hành của Kraken, Arjun Sethi chia sẻ với Financial Times, đồng thời cho biết công ty dự định ra mắt thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng vào khoảng cuối tháng này.

Những động thái này cho thấy các công ty tiền điện tử đang tìm cách mở rộng hoạt động, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ tài sản số. Sự tự tin của các lãnh đạo tăng cao nhờ lập trường cởi mở của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với tài sản số, trái ngược với chính quyền ông Joe Biden trước đó, vốn bị xem là không thân thiện với ngành này.

Công ty Circle, có trụ sở tại New York, cho biết việc nhận được giấy phép ngân hàng ủy thác quốc gia từ Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC), cơ quan quản lý các tổ chức tài chính, sẽ là "một bước tiến quan trọng" trong việc tích hợp tài sản số vào hệ thống tài chính rộng lớn hơn. Hiện tại, Anchorage Digital là công ty tiền điện tử duy nhất sở hữu giấy phép ngân hàng quốc gia.

"Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm ban đầu của nhiều công ty tiền điện tử, khi họ tuyên bố 'chúng tôi không cần ngân hàng, không cần luật pháp, chúng tôi vượt trên tất cả, giờ đây, họ lại nói 'hãy quản lý chúng tôi'", đối tác tại công ty luật Davis Wright Tremaine, Max Bonici nhận xét.

Mặc dù các ngân hàng ủy thác quốc gia có thể lưu ký tài sản và xử lý thanh toán, họ không thể cung cấp khoản vay hoặc nhận tiền gửi trực tiếp từ khách hàng. Việc đạt được tư cách ngân hàng ủy thác quốc gia sẽ giúp các công ty không cần xin giấy phép từ từng bang riêng lẻ và cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống tài chính.

Động thái tiến vào lĩnh vực ngân hàng diễn ra trước thềm cuộc tranh luận về luật stablecoin tại Washington, dự kiến sẽ đưa các token này - được xem như một loại tiền tệ - đến gần hơn với hệ thống tài chính truyền thống. "Luật này thực sự mở ra thị trường tài chính Mỹ, cho phép sử dụng stablecoin", ông Adam Chernichaw, đối tác tại công ty luật Pillsbury, nhận định.

Ngân hàng số và tiền điện tử xích lại gần nhau

Stablecoin, được thiết kế để theo dõi giá của các đồng tiền quốc gia như đô la, đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ ông Trump cùng nội các của ông. Các nhà giao dịch sử dụng stablecoin để chuyển đổi giữa tiền tệ pháp định và tiền điện tử, trong khi những người khác dùng chúng cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

Giám đốc điều hành của Robinhood, Vlad Tenev cho biết công ty môi giới bán lẻ này đang có kế hoạch triển khai các dịch vụ ngân hàng.

Giám đốc điều hành của Robinhood, Vlad Tenev cho biết công ty môi giới bán lẻ này đang có kế hoạch triển khai các dịch vụ ngân hàng.

Dự luật Genius Act được đề xuất sẽ siết chặt quy định về stablecoin và gắn chúng chặt chẽ hơn với trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn được sử dụng để đảm bảo giá trị cho các stablecoin gắn với đô la. Chỉ các ngân hàng được quy định và một số nhóm không phải ngân hàng có giấy phép từ OCC mới được phép phát hành stablecoin.

Giám đốc điều hành của Ripple, Brad Garlinghouse cho biết công ty cũng đã nộp đơn xin tài khoản chính tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cho phép họ giữ dự trữ stablecoin trực tiếp tại ngân hàng trung ương. Ngân hàng số và tiền điện tử đang ngày càng xích lại gần nhau, với các công ty fintech tìm cách khai thác các tài sản tiền điện tử đang phát triển nhanh để thu hút khách hàng Mỹ.

Công ty môi giới bán lẻ Robinhood, năm ngoái có hơn một nửa doanh thu giao dịch từ tiền điện tử, dự kiến triển khai một số dịch vụ ngân hàng vào mùa thu này. "Chúng tôi muốn hỗ trợ tất cả nhu cầu tài chính của khách hàng. Từ thuế, lập kế hoạch tài sản, bạn không cần lo lắng về việc chuyển tiền", Giám đốc điều hành Robinhood, Vlad Tenev nói với tờ Financial Times.

Ngân hàng số Revolut có trụ sở tại London - cũng kiếm được phần lớn doanh thu từ giao dịch tiền điện tử - có tham vọng dài hạn là đạt được giấy phép ngân hàng tại Mỹ, trong khi giám đốc điều hành Klarna, Sebastian Siemiatkowski, dự định bổ sung tiền điện tử vào danh mục sản phẩm của công ty cho vay tiêu dùng này.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Bank of America cũng đang tìm cách phát hành stablecoin của riêng họ khi quy định của Mỹ được hoàn thiện. "Chính quyền này sẵn sàng xem xét các đơn xin giấy phép theo cách mà chính quyền trước đây không làm", đối tác tại Davis Polk chuyên về dịch vụ tài chính, David Portilla cho biết.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty tiền điện tử đang đa dạng hóa sang ngân hàng tiêu dùng truyền thống đều thấy cần phải xin giấy phép ngân hàng. Sàn giao dịch Kraken - có giấy phép tại Wyoming - đang ra mắt ứng dụng mới mà không cần xin giấy phép ngân hàng ủy thác hoặc tài khoản chính. "Chúng tôi không muốn trở thành ngân hàng cung cấp thế chấp. Chúng tôi chỉ muốn hợp tác với những đối tác tốt nhất để cung cấp các dịch vụ đó", Sethi nói.

Đức Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cac-cong-ty-tien-dien-tu-dua-nhau-cung-co-vi-the-ngan-hang-tai-hoa-ky-192250713205038915.htm