Các công ty Trung Quốc chạy đua nghiên cứu công nghệ tương tự ChatGPT
Trong bối cảnh 'cơn sốt' mà ChatGPT - chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của OpenAI đang tạo ra trên phạm vi toàn cầu, hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc mới đây đã công bố các dự án tương tự nhằm cạnh tranh với đối thủ.
Giống như Microsoft và Google, các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc như Baidu và Alibaba, cùng một số công ty khởi nghiệp nhỏ hơn của nước này đã dành nhiều năm nghiên cứu các dự án về trí tuệ nhân tạo.
Chatbot ở Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các tương tác xã hội trong khi ChatGPT có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ mang tính chuyên nghiệp hơn, chẳng hạn như viết bài tiểu luận và lập trình.
Dưới đây là danh sách các công ty công nghệ Trung Quốc gần đây đã đưa ra những tuyên bố về công nghệ AI trong thời gian vừa qua.
BAIDU
Ngày 7/2, tập đoàn Baidu cho biết sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ một dự án kiểu ChatGPT có tên là “Ernie Bot” vào tháng 3 năm nay.
ALIBABA
Ngày 8/2, tập đoàn Alibaba cho biết họ đang phát triển một công cụ tương tự ChatGPT, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm nội bộ.
“Gã khổng lồ” thương mại điện tử nhấn mạnh, các mô hình ngôn ngữ lớn và ‘Generative AI’ đã trở thành những lĩnh vực trọng tâm kể từ thời điểm hãng thành lập viện nghiên cứu Damo Academy vào năm 2017.
TENCENT
Ngày 9/2, tập đoàn Tencent cho biết đang tiến hành nghiên cứu về công nghệ tương tự công cụ chatbot ChatGPT.
Theo đó, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu AI dựa trên nguồn dự trữ kỹ thuật hiện tại của họ liên quan đến mô hình nền tảng, thuật toán học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
JD.COM
Ngày 10/2, công ty thương mại điện tử JD.Com công bố kế hoạch tung ra một sản phẩm tương tự ChatGPT, có tên gọi ChatJD.
NETEASE
Chia sẻ với Reuters ngày 8/2, công ty game hàng đầu Trung Quốc là NetEase cho biết đang có kế hoạch triển khai công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình trong lĩnh vực giáo dục.
KUNLUN TECH
Công ty trò chơi di động có trụ sở tại Bắc Kinh, Kunlun Tech mới đây cho biết sẽ ra mắt phiên bản ChatGPT của Trung Quốc với mã nguồn mở trong năm nay.
Cùng với đó, hãng cũng dự định tích hợp công cụ chatbot ChatGPT vào trình duyệt web Opera của mình tại Na Uy.