Các cuộc đình công ở Na Uy làm giảm khí đốt cung cấp cho châu Âu
Cuộc đình công của các nhân viên dầu khí ở Na Uy đang leo thang có thể khiến xuất khẩu khí đốt của nước này sang châu Âu giảm 56% kể từ ngày 9/7.
Gần như đồng thời, Nga sẽ dừng hoàn toàn đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc” để sửa chữa. Na Uy hiện là nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), và nguồn cung giảm sẽ buộc các chính phủ châu Âu đứng giữa hai lựa chọn khó khăn: hoặc rút khí đốt ra khỏi các kho chứa hoặc đóng cửa ngành công nghiệp. Các nhà phân tích kỳ vọng rằng trước tình hình này, giá khí đốt tại EU có thể tăng lên 3.000 USD/1.000 m3.
Hiệp hội dầu khí Na Uy, nơi tập trung các công ty dầu khí lớn của Na Uy, cho rằng sự gia tăng các cuộc đình công của công nhân trên các giàn khai thác dầu khí ngoài khơi ở nước này có thể làm giảm xuất khẩu khí đốt xuống 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 56% kể từ ngày 9/7. Sản lượng dầu có thể giảm 340 nghìn thùng mỗi ngày, tương đương gần 20%.
Cuộc đình công yêu sách nâng lương do Tổ chức công đoàn các nhà quản lý và lãnh đạo Na Uy (Lederne) dẫn đầu. Trong quá khứ, Na Uy là nhà cung cấp khí đốt đường ống thứ hai cho châu Âu, sau Nga, và trong bối cảnh xuất khẩu của Gazprom giảm mạnh trong tháng 5 và 6 thì nước này trở thành nhà cung cấp lớn nhất.
Giai đoạn đầu của cuộc đình công bắt đầu vào đêm ngày 5/7, với ước tính thiệt hại về sản lượng lên tới 89.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 1% lượng khí đốt xuất khẩu. Công ty Equinor do nhà nước Na Uy kiểm soát ngày 5/7 xác nhận rằng họ đã bắt đầu đóng cửa an toàn các mỏ Gudrun, Oseberg East, Oseberg South trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đình công. Các mỏ Aasta Hansteen, Kristin, Heidrun và Tyrihans (chiếm khoảng 13% tổng lượng khí đốt xuất khẩu) phải đóng cửa vào đêm ngày 6/7, ngày 9/7 trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đình công.