Các cuộc tấn công vào Gaza sẽ làm trầm trọng hơn về biến đổi khí hậu
Điều phối viên Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ về môi trường tại Palestine Abeer Butmeh cho biết người dân ở đải Gaza đang quay cuồng vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, đặc biệt là hạn hán.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Butmeh cho biết hành động quân sự của Israel đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là với các cuộc tấn công mới nhất sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường về lâu dài.
Trong khi hàng nghìn thường dân đã thiệt mạng ở Gaza, nơi Israel duy trì tấn công kể từ ngày 7.10, thì sự tàn phá trong khu vực cũng gây ra thảm họa về môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Người dân ở Gaza, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trong nhiều năm, gặp khó khăn gấp bội trong việc tiếp cận nguồn nước do các cuộc tấn công.
“Tái cơ cấu Ủy ban quản lý tài nguyên nước chung Israel-Palestine”, một nghiên cứu do các chuyên gia đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thực hiện năm 2019, cho thấy lượng mưa trung bình hằng năm trong khu vực sẽ giảm từ 10% đến 30% vào năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng từ 3 đến 5 độ C… sẽ ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp của khu vực, gây bất ổn giá cả và thiếu hụt lương thực.
Trong một nghiên cứu khác có tựa đề "Các lựa chọn và chiến lược lập kế hoạch an ninh nước và khí hậu ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine", được các học giả của Đại học Liên Hợp Quốc công bố năm ngoái, người ta phát hiện ra nhiều điều đáng lo. Theo đó, các vùng lãnh thổ của người Palestine, được mô tả là khu vực phải chịu đựng nắng nóng, hạn hán và khan hiếm nước, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu cho biết nhu cầu về nước phần lớn được đáp ứng bởi các nguồn nước ngầm ở vùng núi, ven biển và lưu vực sông Jordan. Thế nhưng, hầu hết tài nguyên đều nằm dưới sự kiểm soát của Israel và ước tính khoảng 80% lưu vực sẽ cạn kiệt trong vòng vài thập niên nữa.
Xung đột làm hạn hán thêm trầm trọng
Nghiên cứu chỉ ra rằng các cuộc xung đột đang diễn ra trong khu vực có thể là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, làm gián đoạn các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi, đồng thời làm gia tăng côn trùng và ký sinh trùng gây hại.
Theo nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu, mục tiêu bị nhắm tấn công là các nhà máy điện, hệ thống lọc nước và xử lý nước ở Gaza... Kết quả là nước thải chưa được xử lý hoặc mới chỉ được xử lý một phần bị thải trực tiếp ra Địa Trung Hải, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý giới hạn nước tối thiểu cho mỗi người mỗi ngày trên thế giới là 100 lít, con số này giảm xuống còn 45 lít ở Gaza, 50 ở Jerusalem và Bờ Tây và 20 ở một số khu vực dưới sự kiểm soát của Israel.
Người Israel trung bình tiêu thụ 369,5 lít nước mỗi ngày. Kết quả là 660.000 người Palestine sống ở Jerusalem và Bờ Tây không được tiếp cận đủ nước, trong khi 1 triệu người ở Gaza phải chịu cảnh khan hiếm nước.
Nghiên cứu cho biết tình trạng khan hiếm nước ở Gaza đã thúc đẩy người dân mua thêm nước từ các công ty tư nhân và 97% cư dân cố gắng bù đắp nhu cầu nước của họ từ các dịch vụ nước tư nhân không được kiểm soát chất lượng hay từ các nhà máy xử lý tự phát.
Vì nước khan hiểm và đắt đỏ, các hộ gia đình phải chi 1/3, và thậm chí có lúc phải chi 1/2 thu nhập của họ cho nước. Hệ quả là 64% dân số sống trong cảnh nghèo đói và nước uống đã trở thành mặt hàng đắt đỏ.
Palestine cũng vật lộn với hạn hán, thiếu mưa
Bình luận về tình hình trong khu vực, Butmeh cho biết Palestine đang phải vật lộn với hạn hán và thiếu mưa do biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng rất cao vào mùa hè và giảm rất thấp vào mùa đông.
Butmeh lưu ý rằng cường độ mưa đã giảm trong 14 năm qua và những thay đổi về nhiệt độ cũng như lượng mưa có ảnh hưởng đến cây trồng và mực nước ngầm.
Chia sẻ quan điểm rằng các cuộc tấn công và lệnh hạn chế của Israel làm tăng tính dễ bị tổn thương của khu vực trước biến đổi khí hậu, Butmeh nói: "Israel hạn chế tài nguyên nước ở những khu vực do chính quyền Palestine kiểm soát, mặc dù họ không có thẩm quyền. Người Palestine phải xin phép Israel mới được phép tiến hành các hoạt động như khoan giếng nước và xây dựng nhà máy xử lý nước trong khu vực”.
Bà lưu ý rằng Israel chỉ cho phép nhập một lượng nhỏ nhiên liệu vào Gaza, nơi đang bị phong tỏa: “Do không đủ nhiên liệu nên các cơ sở này không thể luôn hoạt động. Điều này có nghĩa là nước thải thải ra biển mà không được xử lý. Do nước thải ra xâm nhập vào các tầng ngầm nước ven biển, 96% lượng nước trong vùng không đủ điều kiện phù hợp để uống”.
"Ngoài ra, chính phủ Israel đã xây dựng một con đập ở biên giới phía đông Gaza. Họ bất ngờ mở đập khiến đất nông nghiệp bị ngập lụt. Điều này gây ra sự tàn phá phần lớn đất nông nghiệp và hoa màu ở Gaza. Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện giờ không chỉ là vấn đề tự nhiên mà còn là vấn đề chính trị ở Palestine".
Bà nói thêm: “Khi biến đổi khí hậu kết hợp với các cuộc tấn công của Israel, đất nông nghiệp đang khô cạn vì không có nước để tưới và do đó, người dân ngừng canh tác trên đất của họ”.
Butmeh nhấn mạnh thêm rằng sản xuất lúa mì bị ảnh hưởng đặc biệt, với sản lượng giảm 10% trong giai đoạn 2010-2020.
Sự chiếm đóng của Israel, biến đổi khí hậu là mối đe dọa với Palestine
Butmeh cho biết các cuộc tấn công mới nhất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường về lâu dài.
Bà nói: “Chúng ta sẽ thấy những tác động này đối với đất, nước, môi trường sinh thái biển, không khí và quan trọng nhất là đối với sức khỏe con người. Hiện tại, Israel đã cắt nguồn nước ở Gaza và Gaza đã cạn kiệt nguồn nước uống được”.
Bà Butmeh nói: “Người Palestine sống dưới hai mối đe dọa: sự chiếm đóng của Israel và biến đổi khí hậu. Chúng tôi không thể chống lại tác động của biến đổi khí hậu chừng nào Israel còn có những hạn chế. Là người Palestine, chúng tôi đang cố gắng tìm các giải pháp khác nhau để thích ứng với biến đổi khí hậu. Là người Palestine, chúng tôi có quyền lấy nước từ nguồn nước của chính mình”.