Các đại biểu HĐND TP đề xuất có biện pháp, hành động mạnh, cụ thể hơn trong phòng chống dịch
Thảo luận tổ chiều nay, 7/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá các ý kiến thảo luận rất thẳng thắn, trách nhiệm. Đồng thời nhấn mạnh, quan trọng nhất đối với TP trong năm tới là cách tổ chức thực hiện, khắc phục khó khăn phòng, chống dịch Covid-19 và thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Thảo luận tại các tổ tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI chiều nay (7/12), các đại biểu (ĐB) HĐND TP đã sôi nổi thảo luận về kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 của TP trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19; việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, về tình hình thực hiện ngân sách của TP năm 2021; kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP…
Đồng thời, các ý kiến đề cập kết quả thực hiện phòng chống dịch Covid-19, triển khai thực hiện các chính sách của T.Ư và TP trong hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch; công tác cải cách hành chính; thúc đẩy các dự án đầu tư công; thủ tục đầu tư tạo điều kiện triển khai thu ngân sách TP; tỷ lệ điều tiết thu tiền sử dụng đất cho các quận huyện; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện phân cấp đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ thu đấu giá QSDĐ…
Mong TP quan tâm phát triển nông nghiệp, thực hiện tốt đầu tư công
Các ý kiến ĐB cho biết, cử tri và Nhân dân ghi nhận công tác điều hành tập trung và khẩn trương của TP trong năm 2021, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 thứ tư và từ ngày 1/10 thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về các biện pháp linh hoạt phòng chống dịch. TP đã hoàn thành 16/23 chỉ tiêu, là nỗ lực rất lớn trong tình hình dịch bùng phát; không chỉ thực hiện tốt Nghị quyết 68 của Chính phủ mà còn kịp thời ban hành các chính sách đặc thù của TP về hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như Nghị quyết 15 của HĐND TP, được người dân rất ủng hộ.
Trong đó, ĐB Lê Ngọc Anh (Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên) đánh giá, các giải pháp, chỉ tiêu phát triển KT-XH được TP đặt ra từ nay đến cuối năm thể hiện rất khả thi, nhưng mong TP quan tâm hơn đến các cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp nhất là về ứng dụng công nghệ cao, sao cho đi vào thực tiễn, thúc đẩy một số vùng nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch.
Đồng quan điểm này, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cũng đề nghị TP có giải pháp mạnh hơn để bình ổn giá, có lộ trình cụ thể từng năm để nâng cao tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ tiêu tại Chương trình 04 của Thành ủy, có giải pháp sớm xử lý ô nhiễm các dòng sông. Nhất là toàn TP còn 166 xã chưa có nước sạch trong đó Ứng Hòa đạt tỷ lệ thấp, người dân rất mong TP có văn bản chính thức giao dự án đầu tư cho DN đủ năng lực; đồng thời mong TP quan tâm đầu tư thêm kinh phí cho các trạm y tế lưu động tại cơ sở…
Đến từ tổ ĐB Thường Tín, ông Vũ Mạnh Hải đề nghị trong phát triển các làng nghề, ngoài phát triển kinh tế cần quan tâm phát triển du lịch, TP có khảo sát để quy hoạch, đầu tư triệt để, nhất là với làng nghề Vạn Phúc và làng nghề Bát Tràng.
ĐB Nguyễn Ngọc Việt - Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức mong muốn TP tăng đầu tư cho các tuyến y tế cơ sở ở các huyện khó khăn. Riêng Mỹ Đức rất mong được TP quan tâm hơn, nhất là lãnh đạo TP cho thí điểm mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Đáng chú ý, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân đề nghị TP quan tâm lãnh đạo chỉ đạo để thực hiện tốt hơn công tác đầu tư công, nhất là tháo gỡ khó khăn trong thủ tục về chủ trương đầu tư. Liên quan thu chi ngân sách, với nhiệm vụ của các quận huyện năm 2022, TP cần có hướng dẫn cụ thể về đầu tư hạ tầng để quận huyện chủ động thực hiện sớm.
Cùng đề cập đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, ĐB Đỗ Anh Tuấn (tổ Bắc Từ Liêm) cho rằng, để hoàn thành mục tiêu năm 2021 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 84,3% trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp thì cần sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là cuối năm 2021 các quận, huyện, thị xã cần quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực này. ĐB Lưu Ngọc Hà (tổ Bắc Từ Liêm) cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, quận Bắc Từ Liêm cần 11.200 tỷ cho đầu tư công, nhưng tỷ lệ % từ sau đấu giá QSDĐ trên địa bàn chỉ được hưởng 35% là quá thấp, sẽ không đủ nguồn lực phục vụ công tác đầu tư công, nên đề xuất TP xem xét, nâng tỷ lệ điều tiết khả thi trong lĩnh vực đầu tư công là 65% cho quận. Riêng với 5 huyện chuẩn bị lên quận, TP cần phân cấp mạnh, điều tiết 100% tiền đấu giá QSDĐ trên địa bàn các huyện đó để đầu tư hạ tầng khung, hoàn thành tiêu chí lên quận. Còn theo ĐB Lê Kim Anh (tổ quận Ba Đình), đối với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 2022 từ 7- 7,5%, TP cần nghiên cứu, có kịch bản tăng trưởng cho phù hợp, không ấn định chỉ tiêu cứng, gây khó khăn cho thực hiện.
Cần biện pháp hành động mạnh, cụ thể hơn trong phòng chống dịch
Song song với kiến nghị các giải pháp phát triển KT-XH, nhiều ĐB bày tỏ rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Đại diện khối DN, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn (tổ ĐB Mỹ Đức) nhận định, nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội rất lớn, ca mắc có chiều hướng tăng lên nếu không kiểm soát tốt, không có các biện pháp phòng dịch cá nhân, trong khi người dân còn chủ quan. Vì vậy TP cần có biện pháp hành động, nhiều chính sách cụ thể hơn trong phòng chống dịch. Còn theo ĐB Nguyễn Minh Tuân (tổ ĐB Phú Xuyên), trong công tác phòng chống dịch TP cần tăng cường công tác dự báo, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời.
ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (tổ huyện Quốc Oai) đánh giá cao việc thành phố quan tâm hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chính sách điều trị F0 tại nhà rất kịp thời, giúp giảm tải tuyến y tế và phù hợp thực tiễn. Nhưng, hiện nay, việc thực hiện, vận dụng chính sách ở cơ sở không thống nhất, đặc biệt là các chung cư. Đây là khoảng trống truyền thông từ trên xuống dưới, cần tập huấn công tác này, nhằm thống nhất thực thi các chính sách.
Đồng tình với những hạn chế trong công tác phòng chống dịch hiện nay, ĐB Vũ Đức Bảo (tổ huyện Gia Lâm) cũng khẳng định, truyền thông về phòng chống dịch ở cơ sở đang “hổng”, nên cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Trong bối cảnh điều trị F0 tại cơ sở như hiện nay, việc thống nhất cách thức phòng chống dịch càng chú trọng đối với những lực lượng cơ sở.
Quan trọng là cách tổ chức thực hiện, khắc phục khó khăn
Trước các ý kiến ĐB, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền (tổ ĐB Hà Đông) đã trao đổi cụ thể liên quan lĩnh vực nước sạch, xử lý nước thải CN, quy hoạch triển khai xây dựng cụm CN… và khẳng định UBND TP luôn chú trọng quyết liệt đôn đốc triển khai. Chắc chắn trong đầu năm 2022, cả 43 cụm CN sẽ được đồng loạt khởi công xây dựng, đầu tư đồng bộ. Về xây dựng nông thôn mới, TP đã triển khai bao quát các địa phương, đảm bảo sang năm 100% các huyện về đích nông thôn mới. Đồng tình với ý kiến đề nghị TP tiếp tục cải cách thủ tục đầu tư, theo sát để kịp thời gỡ vướng, Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho hay để đạt mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% năm 2022, toàn TP cần có quyết tâm rất lớn, tạo đà cho những năm tiếp theo. Trong đó, cần rà soát tháo gỡ khó khăn cho những dự án ngoài ngân sách, phân công rõ trách nhiệm trong thực hiện, đẩy mạnh hạ tầng hỗ trợ cho sản xuất, tiếp tục số hóa các ngành, lĩnh vực…
Tại Tổ ĐB số 1, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá các ý kiến thảo luận rất thẳng thắn, trách nhiệm và nhấn mạnh: Kỳ họp này, HĐND TP chú trọng vào đổi mới, phát huy trí tuệ của các ĐB. Quan trọng nhất đối với TP trong năm tới là cách tổ chức thực hiện, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhất là trong phòng chống dịch Covid-19 cần tập trung thực hiện tốt, xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất. Muốn vậy, từ TP đến các quận huyện cần rất lưu ý là không để hệ thống y tế cơ sở bị thiếu thốn về trang thiết bị. Cùng với thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát dịch hiệu quả, cần xác định công tác đầu tư công rất quan trọng; cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục một cách thực chất, khoa học, trong đó không chỉ tháo gỡ cho người dân và DN mà còn cho các quận huyện, sở ngành.