Các 'đại gia dầu mỏ' lạnh nhạt với Mỹ và Anh: Ông Johnson cũng khó cứu vãn được tình hình
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út từ 16-17/3/2022.
Mục đích chính là thuyết phục các nước này gia tăng sản lượng dầu bù đắp lại số lượng thiếu hụt do lệnh cấm vận của Mỹ đối với nhập khẩu dầu từ Nga nhằm xoa dịu thị trường khi giá dầu đang leo thang.
Bối cảnh chuyến thăm
Ngày 8/3/2022, Tổng thống Mỹ J. Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga trong một chiến dịch trừng phạt toàn diện và khắc nghiệt chưa từng có nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu. Thủ tướng B. Johnson là người ủng hộ mạnh mẽ nhất lệnh trừng phạt này của Mỹ.
Theo lệnh trừng phạt này, Mỹ và châu Âu sẽ dần dần từ bỏ các nguồn năng lượng của Nga. Thủ tướng Anh B. Johnson tuyên bố, việc chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga sẽ làm cạn kiệt nguồn tài chính của Nga và phá hủy chiến lược của Moscow.
Ông tuyên bố, Anh có kế hoạch ngừng hoàn toàn nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022. Ông nói, việc từ bỏ dầu mỏ của Nga sẽ rất đau đớn và không thể thành công nếu không có sự nhất trí của quốc tế.
Giống như các nước phương Tây khác, Anh đang phải đối mặt với giá năng lượng tăng. Các lệnh trừng phạt Nga đã đẩy giá xăng và nhiên liệu diesel ở Anh lên mức kỷ lục, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sinh hoạt mà các gia đình Anh phải đối mặt với chi phí sưởi ấm và nạp xăng ô tô ngày càng tăng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết họ lo ngại các lệnh trừng phạt Nga "có thể làm gián đoạn sản xuất trên diện rộng và nguy cơ gây ra cú sốc toàn cầu đối với nguồn cung dầu." Cơ quan này lưu ý rằng nhiều công ty dầu mỏ, công ty môi giới và ngân hàng đã rời khỏi Nga.
Tại Anh, Thủ tướng B. Johnson đang bị chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí dư luận đòi ông phải từ chức do liên quan đến một số vụ bê bối, trong đó bữa tiệc được tổ chức vào tháng 5/2020 tại tòa nhà chính phủ với sự tham gia của hơn 100 nhân vật trên đường phố Downing trong thời gian đóng cửa do đại dịch Covid-19.
Ông cũng bị chỉ trích vì đã đưa ra cáo buộc không có cơ sở chống lại lãnh đạo phe đối lập, người đứng đầu Văn phòng Công tố Anh Keir Starmer đã giúp cựu ngôi sao BBC Jimmy Savile trốn truy tố trong vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Uy tín của ông B. Johnson đang xuống mức thấp chưa từng có.
Trong tình hình như vây, Thủ tướng B. Johnson thăm UAE và Ả Rập Saudia là hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất trong Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), kêu gọi hai nước này tham gia vào một liên minh quốc tế trừng phạt Nga, tìm kiếm nguồn bổ sung thay thế cho dầu mỏ của Nga, đồng thời thông qua đó lấy lại hình ảnh của mình.
Kết quả chuyến thăm
Kết thúc chuyến thăm, Thủ tướng B. Johnson đã không nhận được cam kết nào của UAE và Ả Rập Saudi về tăng sản lượng dầu. Tại các cuộc hội đàm với Thái tử Abu Dhabi MBZ và Thái tử Ả Rập Saudia MBS, cả UAE và Ả Rập Saudi đều không đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc họ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu.
Hãng thông tấn WAM của UAE và SPA của Ả Rập Saudi, khi đưa tin về cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng B. Johnson và lãnh đạo hai nước này đã không hề đề cập gì đến chủ đề dầu mỏ mà chỉ kêu gọi sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các xung đột khác nhau vì ổn định của khu vực và quốc tế. Bộ Dầu mỏ hai nước này cũng từ chối bình luận về kết quả đàm phán với Thủ tướng Anh.
Tờ The Independent của Anh đưa tin, Thủ tướng B. Johnson đã thất bại trong việc thuyết phục Ả Rập Saudi và UAE tăng sản lượng dầu. Tờ báo viết: "Thủ tướng Anh Boris Johnson đã không nhận được lời hứa từ giới lãnh đạo Saudi Arabia và UAE về tăng sản lượng dầu khi giá năng lượng tăng sau hành động quân sự của Nga ở Ukraine." Tờ The Hill viết: "B. Johnson đã cầu xin UAE và Ả Rập Saudi tăng sản lượng dầu, nhưng đã không thành công."
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo này về thỏa thuận tăng sản lượng dầu sau cuộc gặp Thái tử MBS, B. Johnson nói: "Tôi nghĩ bạn nên nói chuyện với Ả Rập Saudi."
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của UAE đề nghị giấu tên nói với phóng viên tờ S&P Global Platts rằng việc UAE và Ả Rập Saudi tăng sản lượng là vi phạm thỏa thuận OPEC với Nga và hai nước sẽ tôn trọng nghiêm túc thỏa thuận này.
Trước đó, ngày 10/3/2022, các nước thành viên của liên minh OPEC đã từ chối tăng sản lượng dầu vượt quá kế hoạch đã được thông qua 400.000 thùng/ ngày. Theo các nước này, giá dầu hiện đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, chứ không phải do các nguyên tắc cơ bản của thị trường.
Ngoài việc không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng dầu của UAE và Ả Rập Saudi, ông B. Johnson còn bị các nghị sỹ trong Quốc hội Anh và các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích nặng nề do đi thăm Ả Rập Saudi ngay sau khi nước này hành quyết một lúc 81 người với tội danh khủng bố và 3 người nữa bị hành quyết ngay khi ông ở Riyah.
Đây là số người bị hành quyết trong một ngày cao mức kỷ lục, vượt quá con số 69 người bị hành quyết năm 2021. Ả Rập Saudi là một trong những quốc gia bị tố cáo mạnh nhất về vi phạm quyền con người và có nhiều vụ hành quyết nhất trên thế giới.
Yêu cầu của ông B. Johnson lên án Tổng thống Nga V. Putin về cuộc tấn công Ukraine cũng không được đáp ứng, cả UAE và Ả Rập Saudi đã tránh lên án Nga.
Các nước Trung Đông tiếp tục hợp tác với Nga
Mặc dù không ủng hộ hành động quân sự của Nga ở Ukraine, nhiều nước Trung Đông vẫn mong muốn tăng cường quan hệ với Nga trong nhiều lĩnh vực. Không phải ngẫu nhiên, trong khi Mỹ và phương Tây phát động một chiến dịch chống Nga chưa từng có, Tổng thống Ai Cập Abdel F. Al-Sisi, Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan, Thủ tướng Israel . N. Bennett, Ngoại trưởng UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Iran... đã lần lượt đến Moscow.
Đặc biệt, ngay sau khi từ chối trả lời điện thoại của Tổng thống Mỹ J. Biden, Thái tử Ả Rập Saudi MBS và Thái tử Abu Dhabi đã gọi điện đàm thoại với Tổng thống Nga V. Putin. Tất cả những nước này đều khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác với Nga.
Trong khi Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, UAE vẫn tiếp tục hợp tác tích cực với Nga. Ngay sau khi Thủ tướng Anh B. Johnson kết thúc thăm Abu Dhabi, ngày 17/3/2022, Ngoại trưởng UAE, Sheikh Abdullah bin Zayed đã bay sang Moscow gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Hai Bộ trưởng đã thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và an ninh lương thực. Năm 2021, UAE đứng đầu trong số các đối tác kinh tế và thương mại của Nga trong thế giới Ả Rập.
Ngoại trưởng Abdullah bin Zayed khẳng định UAE sẽ không nhượng bộ trước áp lực của phương Tây nhằm tăng sản lượng dầu trong thời điểm hiện nay và sẽ không làm bất cứ điều gì sau lưng Moscow trong lĩnh vực này. Ông nhắc lại lập trường trung lập của Abu Dhabi trong cuộc xung đột Ukraine.
Mặc dù có sự vận động của Mỹ và các nước phương Tây, UAE đã bỏ phiếu trắng nghị quyết về tình hình Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các quan chức UAE đảm bảo với Moscow rằng họ sẽ không thực hiện các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây chống Nga và sẽ không thay đổi bất cứ điều gì trong quan hệ với Moscow.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Faisal bin Farhan đã đàm thoại với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Hai bên khẳng định quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương. Hoàng tử cho biết trong hai năm qua, sự hợp tác của Ả Rập Saudi với Nga đã góp phần duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ và sự hợp tác này vẫn sẽ tiếp tục.
Nguyên nhân các nước dầu mỏ vùng Vịnh lạnh nhạt đối với Mỹ và Anh
Các nước Ả Rập, đặc biệt là các nước Ả Rập vùng Vịnh không hài lòng với quan điểm của chính quyền Mỹ và Anh liên quan đến vụ sát hại Khashoggi, thái độ đối với nhóm Houthi trong cuộc chiến ở Yemen và kế hoạch khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Mỹ và Anh là hai nước chống chính phủ Hoàng gia Ả Rập Saudi và Abu Dhabi mạnh mẽ nhất về vấn đề nhân quyền mà Riyahd và Abu Dhabi coi đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Khác với người tiền nhiệm D. Trump, Tổng thống J. Biden đã nhiều lần tuyên bố chống Riyahd vi phạm nhân quyền, coi Thái tử MBS là thủ phạm chính trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Quan hệ Mỹ - UAE cũng có nhiều vấn đề bất ổn khi chính quyền J. Biden ngừng thực hiện hợp đồng cung cấp 50 máy bay chiến đấu F-35 và loại trừ nhóm Houthi ở Yemen khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.
Các nước vùng Vịnh nhận ra rằng Mỹ không phải là đồng minh đáng tin cậy và chỉ tìm cách bán vũ khí chứ không sẵn sàng bảo vệ họ khi an ninh của họ bị đe dọa. Tình hình những năm qua cho thấy trong cuộc đối đầu với Iran, Washington chỉ chiến đấu bằng người Ả Rập, giống như hiện nay họ đang chiến đấu chống Nga bằng người Ukraine.
Mặt khác, nguy cơ thực sự từ các nước láng giềng của các quốc gia vùng Vịnh đang giảm bớt. Chiến tranh với Israel khó xảy ra sau khi nhiều nước Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Quan hệ với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đi theo chiều hướng giảm căng thẳng... Trong tình hình như vậy, các nước vùng Vịnh không còn cần đến chiếc ô quân sự của Mỹ nữa.
Người Ả Rập rất trọng chữ tín. Trong lúc khó khăn, Mỹ và Anh sẵn sàng bỏ qua những bất đồng trước đây để phục vụ cho lợi ích trước mắt của mình, chứ không phải xuất phát từ mong muốn chân thành. Báo The Hill của Anh số ra ngày 16/3/2022 viết Thủ tướng Anh B. Johnson và Tổng thống Mỹ J. Biden đang "cầu xin" Ả Rập Xê-út, UAE, Iran và Venezuela tăng sản lượng dầu để ngăn chặn giá năng lượng leo thang.
Maya Foa, người đứng đầu nhóm hoạt động nhân quyển Reprieve của Anh cho biết, để đổi lấy dầu, Thủ tướng B. Johnson sẵn sàng bỏ qua những vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất.
Không dễ dàng tìm nguồn thay thế dầu Nga
Các chuyên gia dầu mỏ cho rằng, về lý thuyết phương Tây sẽ có thể thay thế dầu khí của Nga bằng các nguồn khác, nhưng không thể sớm hơn 5-10 năm tới và về mặt kỹ thuật là hết sức khó khăn.
Về khí đốt, châu Âu phải xây dựng thêm hai trạm tiếp nhận lớn đòi hỏi thời gian và đầu tư lớn. Việc thay thế dầu của Nga khoảng 4-5 triệu thùng/ngày dễ dàng hơn, nhưng cũng không thể sớm được, vì các nước sản xuất lớn không thể hoặc không muốn tăng sản lượng.
Venezuela tháng 1/2022, chỉ sản xuất được 670 nghìn thùng/ngày và chỉ xuất khẩu được 490 nghìn thùng/ngày do Mỹ phá hủy ngành công nghiệp dầu mỏ ở Venezuela và việc khôi phục ngành dầu mỏ ở nước này cần hàng chục tỷ USD và nhiều năm.
Iran có trữ lượng dầu lớn, nhưng năm 2020 chỉ sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày và xuất khẩu 400 nghìn thùng/ngày do Mỹ cấm vận. Khả năng dỡ bỏ cấm vận chưa rõ ràng và tăng sản lượng cũng bị hạn chế.
Ả Rập Saudi tháng1/2022 sản xuất 10 triệu thùng/ngày và xuất khẩu 6,66 triệu thùng/ngày, UAE sản xuất 2,9 triệu thùng/ngày và xuất khẩu 2,4 triệu thùng/ngày nhưng cả hai nước đều phản đối việc tăng sản lượng.
Bản thân Mỹ cũng đang tăng sản lượng dầu nhưng cũng chỉ ở mức tối thiểu do giá thành sản xuất dầu đá phiến cao.
Quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga không chỉ gây khó khăn cho Nga mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của chính nền kinh tế Mỹ và châu Âu.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại