Các đại gia địa ốc Trung Quốc bỏ tiền túi để cứu công ty
Nhiều tập đoàn bất động sản Trung Quốc điêu đứng vì cuộc khủng hoảng tiền mặt và đòn giáng của Bắc Kinh, buộc các nhà sáng lập phải bỏ tiền túi giải cứu.
Cuộc khủng hoảng tiền mặt đang nhấn chìm ngành công nghiệp bất động sản khổng lồ của Trung Quốc. Theo Bloomberg, các ông chủ của những tập đoàn địa ốc nợ nần đã bỏ ít nhất 3,8 tỷ USD tiền túi để cứu tập đoàn khỏi cảnh vỡ nợ.
Tài sản của những đại gia bất động sản này đang là căn cứ để giới đầu tư xác định xem liệu các tập đoàn có thể trả nợ hay không. Trong những tuần gần đây, chủ tịch của ít nhất 7 tập đoàn bất động sản đã dùng tiền túi để hỗ trợ công ty.
Điều này phơi bày cuộc khủng hoảng tiền mặt chưa từng có của các công ty bất động sản. Doanh số bán nhà và giá nhà tại đất nước 1,4 tỷ dân đang lao dốc. Ngân hàng không còn muốn cho vay, lãi suất trên thị trường trái phiếu nước ngoài tăng vọt. Túi tiền của những nhà sáng lập trở thành phương án cuối cùng.
Hàng tỷ USD giải cứu
Các động thái này trái ngược với những doanh nhân nước ngoài. Ở đó, khái niệm "trách nhiệm hữu hạn" đã bảo vệ tiền túi của các doanh nhân khỏi chủ nợ. Nhưng tại Trung Quốc, ranh giới đó không quá rõ ràng.
"Tại Trung Quốc, giới chức có thể gây áp lực, buộc các cổ đông lớn hoặc cổ đông kiểm soát coi tài sản cá nhân và tài sản của công ty là không thể tách rời", ông Zhiwu Chen - Giám đốc Viện Toàn cầu châu Á tại Đại học Hong Kong - nhận định.
"Một phần nguyên nhân là các cổ đông kiểm soát, nhất là những người sáng lập, thường coi tài sản của công ty là tài sản cá nhân", ông nói thêm.
Tại Trung Quốc, giới chức có thể gây áp lực, buộc các cổ đông lớn hoặc cổ đông kiểm soát coi tài sản cá nhân và tài sản của công ty là không thể tách rời
Ông Zhiwu Chen, Giám đốc Viện Toàn cầu châu Á tại Đại học Hong Kong
Chủ tịch Hứa Gia Ấn của China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - đã tìm cách tăng tiền mặt bằng cách bán một số tài sản cá nhân và thế chấp cổ phiếu.
Theo Bloomberg, không rõ số tiền được sử dụng như thế nào, nhưng China Evergrande đã 3 lần thoát khỏi bờ vực vỡ nợ.
Trái phiếu của China Evergrande, Sunac China Holdings Ltd., Guangzhou R&F Properties Co., Shimao Group Holdings Ltd. và CIFI Holdings Group Co. đều tăng giá sau thông tin các nhà sáng lập bỏ tiền túi để hỗ trợ công ty.
Tập đoàn bất động sản của ông chật vật kiếm tiền để trả khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Các nhà chức trách Trung Quốc thúc giục ông Hứa bỏ tiền túi để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande. Vì thế, giới đầu tư dồn sự chú ý vào tài sản cá nhân của ông.
Theo Bloomberg, kể từ khi China Evergrande chào sàn Hong Kong vào năm 2009, ông Hứa đã thu về 7 tỷ USD cổ tức. Ông sử dụng 3,3 tỷ USD mua cổ phiếu, trái phiếu của công ty và tài sản. Nhưng vẫn không rõ nhà sáng lập China Evergrande còn đầu tư vào những nơi nào khác.
Theo China Business News, ông Hứa đã chi hơn 1 tỷ USD vào China Evergrande kể từ tháng 7. Nhưng theo giới quan sát, tài sản cá nhân của vị tỷ phú vẫn không đủ để giải quyết khoản phải trả hơn 300 tỷ USD của tập đoàn.
Nỗ lực thoát cảnh vỡ nợ
Ông Li Sze Lim và Zhang Li - 2 nhà đồng sáng lập của R&F - cam kết cung cấp 8 tỷ HKD (hơn 1 tỷ USD) dưới dạng vốn ngắn hạn cho tập đoàn, sau khi hãng dịch vụ bất động sản này được chấp thuận bán cho đối thủ.
Ông Zhang Li là một cựu quan chức ở phía nam thành phố Quảng Châu, còn ông Li Sze Lim là thương nhân. R&F đã tạo ra cú hích trong mảng kinh doanh khách sạn vào năm 2017. Tập đoàn chi 2,9 tỷ USD để mua 77 khách sạn của Dalian Wanda Group Co.
Tập đoàn hiện là chủ sở hữu khách sạn sang trọng lớn nhất thế giới với 91 khách sạn đang hoạt động và 45 khách sạn khác đang được phát triển.
Ông Lin Tengjiao của Yango cũng đứng ra đảm bảo khi tập đoàn địa ốc này muốn gia hạn 3 trái phiếu bằng đồng USD để tránh vỡ nợ. 3 trái phiếu có tổng giá trị 747 triệu USD.
Còn ông Sun Hongbin của Sunac đã cung cấp khoản vay không lãi suất 450 triệu USD cho nhà phát triển bất động sản thông qua quỹ của chính mình.
Ông Sun Hongbin đã làm nên tên tuổi của Sunac thông qua các thương vụ mua lại những công ty đang gặp khó khăn, chẳng hạn các dự án ở trung tâm thành phố của Oceanwide Holdings Co. hồi năm 2019.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân ngưỡng mộ ông Sun vì phong cách thẳng thắn, kế hoạch mở rộng táo bạo và khả năng vượt qua khó khăn. Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, ông nắm giữ khối tài sản trị giá 4 tỷ USD.
Hai anh em Lin Zhong - Lin Feng, chủ tịch và giám đốc CIFI, cam kết bơm 1,68 tỷ HKD vào tập đoàn thông qua mua cổ phiếu mới trong một đợt phát hành chứng quyền.
Theo Ming Pao, Chủ tịch Hui Wing Mao của Shimao đã thế chấp 3 tầng của tòa tháp The Center ở Hong Kong để vay 1,4 tỷ HKD (180 triệu USD) cho công ty.
Ở tuổi 30, ông Hui bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực bất động sản. Ông phát triển một trong những khách sạn, khu dân cư và nghỉ dưỡng 3 sao đầu tiên tại Trung Quốc. Giờ đây, Shimao đứng sau hàng loạt khách sạn sang trọng ở các vị trí đắc địa tại những thành phố lớn nhất Trung Quốc.
Ông nắm giữ khối tài sản khoảng 5,6 tỷ USD, bao gồm 3 tầng trong tòa nhà văn phòng đắt nhất thế giới mà ông Hui đã thế chấp
Còn ông Guo Ziwen tại Aoyuan cũng đồng ý chi gần 600 triệu HKD (gần 77 triệu USD) để mua cổ phiếu mới của tập đoàn thông qua một công ty khác.