Các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam: Hiệp định Geneva gợi nhắc về tầm quan trọng của hòa bình
Tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng và những bài học còn nguyên giá trị đến ngày nay của sự kiện lịch sử này.
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024) do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội vào sáng 25/4 thu hút sự quan tâm rất lớn và tham gia đông đảo của Đại sứ, đại diện Đại sứ quán nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử…
Bên lề sự kiện, các Đại sứ chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam những suy nghĩ về ý nghĩa và liên hệ của Hiệp định Geneva với bối cảnh thế giới hiện nay.
Sức mạnh của ngoại giao Việt Nam
Đến từ đất nước nơi Hội nghị Geneva diễn ra, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass bày tỏ vinh dự, hạnh phúc và tự hào khi Thụy Sỹ chủ trì Hội nghị Geneva với các cuộc đàm phán căng thẳng để đạt được khoảnh khắc lịch sử, ký kết Hiệp định Geneva 1954 chấm dứt chiến sự tại Đông Dương.
Theo Đại sứ Thomas Gass, Hội nghị Geneva với việc ký kết Hiệp định Geneva là sự kiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa tại thời điểm đó và cho đến tận ngày nay.
"Trong bối cảnh thế giới vừa phân cực và vừa kết nối hiện nay, Hội nghị Geneva từ 70 năm trước gợi nhắc cho chúng ta về tầm quan trọng của tình đoàn kết, tinh thần yêu chuộng hòa bình và sự vận dụng đàm phán ngoại giao", Đại sứ Thụy Sỹ nói.
Đại sứ Thomas Gass chia sẻ ấn tượng đặc biệt về một điểm thú vị mà Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trong Lễ kỷ niệm, đó là Hiệp định Geneva và Hội nghị Geneva được xem là điểm khởi đầu của “ngoại giao cây tre” Việt Nam.
Nhà ngoại giao Thụy Sỹ đánh giá nền ngoại giao Việt Nam có sức mạnh rất lớn và Việt Nam biết cách khai thác lợi thế đó rất tốt, giúp kết nối các nước có quan điểm và chiến lược khác nhau. Đó cũng là điểm tương đồng giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, hai quốc gia luôn nỗ lực đưa bạn bè quốc tế xích lại gần nhau và tạo ra diễn đàn để các bên đối thoại vì hòa bình.
Nhắc tới chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Việt Nam, Đại sứ Thomas Gass hy vọng sẽ sớm thăm thành phố lịch sử này.
Tấm gương về tinh thần độc lập và ý chí quật cường
Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Hiệp định Geneva là thắng lợi mang ý nghĩa thời đại, bởi đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và ba nước Đông Dương, mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chính nghĩa, đạo lý và công lý, đứng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới".
Đồng tình với quan điểm này, các nhà ngoại giao các nước châu Phi và Mỹ Latinh bày tỏ khâm phục và được truyền cảm hứng với thắng lợi của Việt Nam với Hiệp định Geneva.
Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Tulelo nhận định, Hiệp định Geneva đã cho thế giới thấy rằng ở đâu có ý chí, ở đó có con đường tiến tới thành công. Theo Đại sứ Vuyiswa Tulelo, việc người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giành thắng lợi cho độc lập dân tộc là tấm gương cho thấy, miễn chúng ta có sự đoàn kết và ý chí quyết tâm, mọi thứ đều có thể làm được. Và đó cũng là bài học còn vẹn nguyên giá trị đến tận ngày nay.
Tham dự Lễ kỷ niệm và hòa mình vào không gian triển lãm với nhiều tư liệu lịch sử quý giá về Hội nghị Geneva và Hiệp định Geneva, Đại sứ Vuyiswa Tulelo lại nhớ đến lịch sử quê hương đất nước mình.
Theo bà Vuyiswa Tulelo, Lễ kỷ niệm cũng nhắc nhở về tầm quan trọng của việc ghi chép lại lịch sử để những thế hệ trẻ có thể thấu hiểu và thêm yêu quê hương, đất nước, thêm yêu cuộc sống hòa bình của hiện tại, thứ được đánh đổi bằng sự hy sinh, cống hiến vô cùng to lớn của các thế hệ cha ông.
Bày tỏ niềm yêu mến đất nước và lịch sử hào hùng của Việt Nam, Đại sứ Mexico tại Việt Nam Alejandro Negrin Munoz cho rằng Hiệp định Geneva là biểu tượng cho tinh thần độc lập dân tộc, là khoảnh khắc lịch sử mà các nước Mỹ Latinh nói riêng và những người yêu chuộng hòa bình ở cả thế giới nói chung mong chờ.
"Là Đại sứ Mexico tại Việt Nam, tôi thấy sự kiện hôm nay là sự gìn giữ khoảnh khắc lịch sử đặc biệt. Tôi được biết thêm nhiều câu chuyện đáng ngưỡng mộ về hoạt động đàm phán ở Hội nghị Geneva. Điều này rất có ý nghĩa với cá nhân một nhà ngoại giao như tôi", Đại sứ Alejandro Negrin Munoz nói.
Theo Đại sứ, chính những điểm tương đồng về tinh thần đoàn kết, đấu tranh chống áp bức để giành độc lập dân tộc đã khiến Việt Nam và Mexico thêm gắn kết, là cơ sở vững chắc để quan hệ song phương ngày càng phát triển và nâng cao về mọi mặt.
Có thể nói, hòa bình, hợp tác và phát triển luôn là nguyện vọng và lợi ích chung của các quốc gia, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Chính vì vậy, những ý nghĩa và bài học quý báu mà Hiệp định Geneva để lại về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế vẫn vẹn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay.
Nhìn lại 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, chúng ta càng thêm trân quý hiện tại, từ đó cùng với bạn bè quốc tế nỗ lực đóng góp cho hòa bình nhân loại.