Các dân tộc đoàn kết, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, những năm qua, đời sống, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển; cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ, hiệu quả; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ cơ sở được chú trọng; việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm... Niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố, tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng ngày càng vững chắc.

Đồng chí Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chuyển trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tập quán xã hội và tín ngưỡng nghi lễ Tết Xíp xí người Thái trắng cho lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai.

Đồng chí Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chuyển trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tập quán xã hội và tín ngưỡng nghi lễ Tết Xíp xí người Thái trắng cho lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai.

Sơn La có diện tích tự nhiên 14.109,83 km², chiếm 4,27% diện tích cả nước. Toàn tỉnh có 1,3 triệu người, gồm 12 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Mường, Xinh Mun, Dao, Khơ Mú, Kháng, La Ha, Lào, Tày, Hoa cùng sinh sống.

Bám sát và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc; Nghị quyết số 11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Sơn La có 92.460 đảng viên. Trong đó, 65.743 đảng viên là người DTTS, chiếm 68,84%.

Nhìn lại 5 năm qua, đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn, từ 21,65% năm 2019 xuống còn 11,17% năm 2024; giảm 10 xã, 171 bản đặc biệt khó khăn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, sản xuất nông nghiệp đạt thành tựu to lớn, toàn tỉnh có trên 48.500 ha lúa, gần 75.000 ha ngô, gần 10.000 ha mía, diện tích cây rau, đậu và các loại hoa đạt 12.914 ha, 5.850 ha chè, gần 21.000 ha cà phê, trên 83.700 ha cây ăn quả các loại. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng hàng hóa. Nghề nuôi trồng thủy sản đa dạng, nhất là nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt 557,5 triệu đô la Mỹ, 17 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có mặt tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 154 sản phẩm OCOP. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2019-2024 ước thực hiện 4,56%; dự kiến năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt trên 56,84 triệu đồng/năm, tăng 16,24 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.

Đến nay, tỉnh có 2 khu công nghiệp, 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản. Một số tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực, uy tín trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản trong và ngoài nước đầu tư các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động vùng nông thôn và đồng bào DTTS.

Hoạt động thu hút đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi được quan tâm, tạo động lực cho phát kinh tế, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi từ năm 2022 đến nay, đầu tư xây dựng 743 công trình giao thông, nước sinh hoạt tập trung, giáo dục, nhà văn hóa... Đồng bào tích cực tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất, trực tiếp đóng góp hàng nghìn ngày công, vật liệu làm đường bê tông nông thôn.

Biểu diễn múa sạp tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Ảnh:PV

Biểu diễn múa sạp tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Ảnh:PV

Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã; số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm đạt 85%. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 33 xã so với năm 2019. Trong đó, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố Sơn La được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2019.

Lĩnh vực văn hóa xã hội phát triển với nhiều dấu ấn nổi bật. Toàn tỉnh có 64 di tích được xếp hạng các cấp; 1 di sản Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 16 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; con em đồng bào các DTTS trong tỉnh đã có nhiều người đạt thành tích cao tại giải thể thao quốc tế. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, quy mô hệ thống trường, lớp học được chú trọng đầu tư, toàn tỉnh có 610 cơ sở giáo dục, đào tạo, 23.245 giáo viên; 376.549 học sinh học tập ở các bậc học. Năm 2024, có 400 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 52,7% so với năm 2019. Thành phố Sơn La được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” năm 2024.

Sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đồng bào các DTTS còn thể hiện ở việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm, đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 96,1%; số bác sĩ/10.000 dân đạt 8,85 bác sĩ; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 99%; giai đoạn 2019-2023, tạo việc làm cho hơn 116.820 lao động là người DTTS, chiếm 86%; hỗ trợ xóa 8.657 nhà tạm cho đồng bào DTTS, tổng kinh phí 404 tỷ đồng; có 10/12 huyện, thành phố hoàn thành việc xóa nhà tạm...

Tổng nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La khoảng 69.021 tỷ đồng. Trong đó, huy động doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên 3.906 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 34.044 tỷ đồng; các nguồn vốn ngân sách nhà nước lồng ghép từ chương trình, dự án khác 22.000 tỷ đồng. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng để tỉnh Sơn La thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh được củng cố vững chắc. Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường và giữ vững. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được củng cố, tăng cường.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế và sinh hoạt của đồng bào; chất lượng giáo dục, y tế có mặt hạn chế; một số bản sắc tốt đẹp trong văn hóa của các DTTS đang dần bị mai một. Nguyên nhân, do kinh tế còn khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn chế; việc bố trí nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS chưa đáp ứng nhu cầu; địa hình sinh sống vùng đồng bào DTTS phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt, biến đổi khí hậu...

Với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”, giai đoạn 2024-2029, tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng, vận dụng hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS toàn diện, nhanh, bền vững.

Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc gắn với thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch vùng đồng bào DTTS.

Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt công tác y tế - dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Tập trung giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn ngay từ cơ sở; kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự và các vấn đề xã hội phức tạp. Chủ động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, vi phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên giới. Tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân vùng biên giới.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền các cấp.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024 là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết, chung sức, đồng lòng góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Một số hình ảnh về dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La

Thuận Châu biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thuận Châu biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hội thảo phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực Tây Bắc.

Hội thảo phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực Tây Bắc.

Người có uy tín xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của bản.

Người có uy tín xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của bản.

Ngày hội việc làm dành cho thanh niên dân tộc thiểu số.Thi công công trình bảo tồn văn hóa dân tộc Mông tại bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Ngày hội việc làm dành cho thanh niên dân tộc thiểu số.Thi công công trình bảo tồn văn hóa dân tộc Mông tại bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/cac-dan-toc-doan-ket-chung-suc-xay-dung-tinh-son-la-phat-trien-xanh-nhanh-ben-vung-0lQ9tQGHg.html