Các dạng giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự vô hiệu khi: chủ thể không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự không hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
* Bị lừa dối, cưỡng ép
Vì cần gấp số tiền lớn lo chữa bệnh cho con, bà N.T.V. (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) làm giấy vay mượn nợ của bà H.T.Y. (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) 50 triệu đồng với cam kết, đến ngày trả nợ mà bà V. không có tiền trả thì sẽ làm giấy chuyển nhượng lại 1ha xoài cho bà Y. Sau khi hai bên giao dịch cho mượn tiền thành công thì bà Y. phát hiện, đất bà V. đang ở và sản xuất là đất thuê mướn, chủ đất là một người khác nên bà Y. muốn hủy giao dịch vì cho rằng, bị bà V. lừa dối.
Hay như trường hợp của ông P.T. (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) kể, do đánh bạc thua sạch tiền nên có vay “nóng” 30 triệu đồng nhưng chủ nợ ghi nợ lên đến 70 triệu đồng. Nếu ông không viết giấy nợ như vậy thì nhóm người cho vay nặng lãi không cho ông về.
“Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu” - luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết.
Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh phân tích, khi bà Y., ông T. cho rằng, trong quá trình giao dịch mình bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, ai có lỗi thì phải bồi thường.
“Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân của mình” - luật sư Đức nói.
Đồng thời, luật sư Đức lưu ý, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện về chủ thể như: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Đồng thời, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
* Khi nào giao dịch dân sự vô hiệu?
Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh lý giải, giao dịch dân sự vô hiệu khi giao dịch có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Chính vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, các dạng giao dịch dân sự vô hiệu do: giả tạo; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; bị nhầm lẫn; người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; không tuân thủ quy định về hình thức.
Luật sư Hà lưu ý, đối với giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo là khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có trường hợp biết chắc chắn rằng đó là giao dịch giả tạo nhưng giao dịch vẫn không bị vô hiệu.
“Chẳng hạn, lợi dụng tình trạng cần tiền gấp của người vay, bên cho vay thường yêu cầu bảo đảm khoản vay bằng việc giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở có chữ ký và công chứng với giá trị lớn hơn so với tài sản cho vay. Khi bên vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ đúng với cam kết thì coi như mất tài sản” - luật sư Hà nói.
Cũng theo luật sư Hà, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu. Trừ trường hợp, giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Đồng thời, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.