Các đảng lớn ở Thái Lan lục đục trước thềm bầu cử
Căng thẳng đồng loạt xảy ra trong nội bộ các chính đảng lớn của Thái Lan như Pheu Thai, Palang Pracharath hay Move Forward khi cuộc tổng tuyển cử đã đến gần.
Các đảng chính trị lớn nhất của Thái Lan như Pheu Thai, Palang Pracharath hay Move Forward đều rơi vào cảnh lục đục nội bộ trước thềm tổng tuyển cử. Các cuộc tranh cãi chủ yếu xoay quanh việc quyết định chính sách chủ chốt có thể thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Các chuyên gia nhận định cạnh tranh nội bộ là điều không thể thiếu trong mỗi cuộc bầu cử, giúp củng cố sức mạnh của các chính đảng, tuy nhiên điều này cũng có nguy cơ gây ra chia rẽ trong kết quả bỏ phiếu cuối cùng.
Đảng Pheu Thai và phong trào áo đỏ chia rẽ
Pheu Thai, đảng đối lập lớn nhất tại Thái Lan, luôn có lực lượng ủng hộ trung thành là phe áo đỏ, thành viên của Mặt trận đoàn kết vì dân chủ chống độc tài (UDD). Phong trào áo đỏ UDD cung cấp lượng cử tri đông đảo, giúp mang lại chiến thắng trong các cuộc bầu cử trước đây cho Pheu Thai.
Mạng lưới UDD tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn Đông Bắc và miền Bắc Thái Lan. Đây vốn là khu vực bầu cử thường mang lại chiến thắng gần như tuyệt đối cho Pheu Thai và các đảng tiền thân của đảng này.
Nhưng tình hình đã thay đổi sau khi Chủ tịch UDD Jatuporn Prompan, người từng trung thành với Pheu Thai và cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, quyết định bước lên vũ đài chính trị.
Mới đây, ông Jatuporn liên tục tham gia các cuộc đối thoại chính trị trên truyền hình và công khai tung chỉ trích về phía ông Thaksin, người được cho là thủ lĩnh thật sự đứng sau Pheu Thai.
Jatuporn cho rằng các cử tri của phong trào áo đỏ đã bị Pheu Thai phản bội. Một trong những lần như thế là khi Pheu Thai thúc đẩy thông qua dự luật ân xá toàn diện dưới thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin.
Theo Jatuporn, dự luật ban đầu chỉ ân xá chung cho những người biểu tình có yếu tố chính trị, không bao gồm các thủ lĩnh phong trào biểu tình và chính trị gia. Tuy nhiên, Pheu Thai sau đó vận động để sửa lại dự luật trước khi trình Quốc hội Thái Lan, nhằm đưa những chính trị gia cấp cao như ông Thaksin vào diện được ân xá.
Bởi sửa đổi này, dự luật đã bị bác bỏ, khiến nhiều người biểu tình áo đỏ không bao giờ được ân xá.
Thời gian qua, một số nhóm UDD tại khu vực Đông Bắc cũng tuyên bố sẽ rời đảng Pheu Thai. Động thái này diễn ra sau khi Pheu Thai kết nạp một số chính trị gia danh tiếng dự định tranh cử ngay tại các khu vực vốn đã có ứng cử viên từ UDD.
Ông Prayut rời đảng Palang Pracharath
Đảng Palang Pracharath (PPRP) cầm quyền được dự đoán không thể tiếp tục giữ được 116 ghế tại Quốc hội như hiện nay, sau khi Thủ tướng Prayut Chan-ocha thông báo chuyển sang ủng hộ đảng UTN.
Dù không phải thành viên chính thức, ông Prayut từng được PPRP đề cử là ứng viên của đảng trong cuộc chạy đua vào ghế thủ tướng năm 2019. Ông Prayut sau đó trúng cử nhưng vẫn thường giữ khoảng cách với PPRP.
Theo các nhà quan sát, ông Prayut không thoải mái khi làm việc với các chính trị gia thường xuyên chuyển đảng như thành viên của PPRP.
Năm 2021, Bộ trưởng Nông nghiệp Thamanat Prompow, Tổng thư ký PPRP, đã vận động các nghị sĩ của PPRP và các đảng nhỏ tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Prayut.
Thủ tướng Prayut sau đó đã lập tức sa thải ông Thamanat. Cùng bị sa thải còn có Thứ trưởng Bộ Lao động Narumon Pinyosinwat.
Cuối tháng 1, Thủ tướng Prayut quyết định chuyển sang liên kết với UTN, đảng mới thành lập nhưng đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng ở ngay tại các khu vực là thành trì của PPRP.
Dù vậy, các chuyên gia tin rằng bất đồng hiện nay giữa Thủ tướng Prayut và đảng PPRP chỉ là tạm thời. UTN và PPRP nhiều khả năng sẽ trở thành liên minh để tăng khả năng thành lập chính phủ sau khi bầu cử kết thúc.
Đảng Move Forward lục đục nội bộ
Tranh cãi nội bộ cũng diễn ra trong đảng Move Forward (MFP), sau khi Chủ tịch Pita Limjaroenrat và Tổng thư ký Phong trào tiến bộ (PM) Piyabutr Saengkanokkul có những tranh cãi trên mạng xã hội. Điều này khiến các cử tri của MFP lo ngại sẽ ảnh hưởng tới kết quả của đảng trong cuộc bầu cử 7/5.
Trong một bài đăng trên Facebook, Piyabutr chỉ trích cách mà MFP đang được điều hành, đồng thời cho rằng MFP đang dậm chân tại chỗ thay vì phát triển.
"Nếu MFP muốn tiến xa trong cuộc bầu cử tới, chúng ta cần tiếp cận nhóm cử tri chưa quyết định và thuyết phục họ bỏ phiếu cho mình", ông Piyabutr cho biết. Các cử tri thuộc nhóm này mà Piyabutr muốn nhắm đến là người ủng hộ của đảng Pheu Thai.
Thủ lĩnh phong trào PM cho rằng cử tri Pheu Thai có xu hướng ủng hộ các chính sách của MFP, nhưng vẫn bỏ phiếu cho Pheu Thai bởi thiếu lòng tin MFP có thể giành đủ số phiếu để tự lập chính phủ hoặc lãnh đạo chính phủ liên minh.
Piyabutr đề xuất MFP thay đổi đường lối để có thể thu hút thêm các nhóm cử tri mới.
Phát biểu hôm 22/2, Thủ lĩnh MFP Pita cho rằng ông Piyabutr thiếu chuyên nghiệp, đồng thời yêu cầu người đồng nghiệp không tiếp tục cản trở công việc của đảng.
Hai nhà lãnh đạo sau đó thông báo đã hòa giải với nhau trên mạng xã hội, lý giải những tranh cãi trước đó chỉ là hiểu nhầm. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định Pita và Piyabutr có mâu thuẫn về các chính sách và chiến lược phát triển mà MFP nên theo đuổi trong cuộc bầu cử tới đây.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-dang-lon-o-thai-lan-luc-duc-truoc-them-bau-cu-post1407322.html