Các đập Trung Quốc xây đều xem nhẹ môi trường
Các công ty Trung Quốc thường đùn đẩy trách nhiệm đánh giá tác động môi trường cho chính phủ nước sở tại trong các dự án đập trên toàn thế giới
Tổ chức Sông ngòi quốc tế (Mỹ) cảnh báo các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản về môi trường và xã hội khi xây dựng các dự án đập lớn trên toàn thế giới.
Trong báo cáo mới đây, tổ chức phi lợi nhuận này cho biết nhiều công ty Trung Quốc không đạt các tiêu chuẩn xã hội và sinh thái được quốc tế công nhận, như các tiêu chuẩn do Tập đoàn Tài chính quốc tế của Ngân hàng Thế giới đặt ra. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những công ty này thường xuyên thỏa hiệp các mục tiêu xã hội và môi trường, đồng thời xem thường các chính sách mà họ đưa ra để chạy theo kịp tiến độ và đáp ứng ngân sách.
"Nếu các công ty muốn được công nhận là nhà phát triển tiêu chuẩn trong lĩnh vực này, họ cần đáp ứng một số điều kiện nhất định trước khi tham gia vào một dự án nào đó. Các bước cơ bản như yêu cầu công bố đánh giá tác động môi trường hoặc từ bỏ các dự án sẽ gây ảnh hưởng đến những khu vực được UNESCO công nhận đều không thể thương lượng" - ông Josh Klemm, Giám đốc về chính sách của Tổ chức Sông ngòi quốc tế và đồng tác giả của báo cáo nói trên, cho biết.
Báo cáo mới được thực hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn và chuyến khảo sát 7 dự án đập thủy điện ở Uganda, Bờ Biển Ngà, Pakistan, Lào, Chile và Campuchia trong giai đoạn từ năm 2016-2019. Ngoại trừ dự án Alto Maipo ở Chile do công ty Mỹ phụ trách, còn lại đều do các công ty Trung Quốc xây dựng.
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), những công ty Trung Quốc này thực hiện khoảng 2/3 các đập lớn trên toàn thế giới. Báo cáo cũng chỉ ra rằng 4 trong số 7 dự án được kiểm tra đã không công khai các đánh giá về tác động môi trường (EIA) và nhiều dự án trong số này không cân nhắc hoặc đề cập các mối lo ngại của các bên liên quan ở địa phương. Chỉ có một trong 7 dự án được nghiên cứu công khai đánh giá tác động môi trường đầy đủ trước khi xây dựng.
Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế, các công ty Trung Quốc thường đẩy trách nhiệm cho chính phủ nước sở tại khi cho rằng những vấn đề như vậy nằm ngoài nhiệm vụ của họ.
Tại Uganda, Công ty Điện và Nước quốc tế Trung Quốc thuộc Tập đoàn China Three Gorges (Trung Quốc) đã xây dựng nhà máy thủy điện Isimba trên sông Nile Trắng bất chấp cảnh báo rằng dự án sẽ nhấn chìm các khu vực tự nhiên quan trọng lân cận. Dự án trị giá 568 triệu USD do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tài trợ 85% vốn đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực có thác Kalagala, một địa điểm có các giá trị văn hóa, tinh thần và đa dạng sinh học của cộng đồng địa phương cần được bảo tồn.
Theo báo cáo, hồ chứa Isimba đã nhấn chìm một số ghềnh nước trắng quan trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch chèo thuyền vượt ghềnh thác vốn giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Các nhà nghiên cứu cho rằng không có đánh giá tác động nào được thực hiện mặc dù một số đập đã được xây và một số khác đang được lên kế hoạch trên đoạn sông này.
Tại Pakistan, đề cập kế hoạch tái định cư và đánh giá tác động môi trường của dự án đập thủy điện Neelum-Jhelum trên sông Neelum gây tranh cãi, Tập đoàn China Gezhouba (Trung Quốc) cho đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, ở Bờ Biển Ngà, Tập đoàn Sinohydro International (Trung Quốc) đã phớt lờ các mối lo ngại về môi trường và không thiết lập cơ chế khiếu nại cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Soubré. Dự án trị giá 572 triệu USD trên sông Sassandra này cũng nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Tại Campuchia, dự án thủy điện Hạ Sesan 2 của Công ty Huaneng Lancang River (Trung Quốc) cũng vấp phải sự phản đối của cộng đồng địa phương.