Các di tích cự thạch ở Na Hang và Sơn Dương
Các di tích cự thạch ở Na Hang và Sơn Dương.
Di tích cự thạch Xuân Tân, Na Hang
Tháng 3-2005, người ta phát hiện được một di tích cự thạch ở bản Nà Điềm, xã Xuân Tân (xã này từ năm 2002 nằm trong lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, đã giải thể), cách sông Gâm khoảng 1km về phía tây. Khảo sát khu vực này, thấy di tích nằm giữa một thung lũng đá vôi khá rộng; ở cách phía bắc, tây và đông là dãy sơn khối đá vôi cao lớn tiếp giáp với thôn Khau Vu; phía nam là đồng ruộng. Cách di tích khoảng 100m về phía bắc là khu nghĩa địa từ lâu đời của cư dân bản Nà Điềm.
Di tích gồm một tảng đá phiến vôi lớn dày (gọi là tấm trần), khó xác định được hình dáng với mặt bụng phẳng được xếp chồng lên hai khối đá tự nhiên giống như hai hòn kê to.
Tấm đá trần là khối đá dài 2,2 - 2,5m, rộng 1,2 - 1,5m, dày 1,1 - 1,3m. Trên bề mặt và ở các rìa cạnh tấm đá còn giữ nguyên trạng thái phong hóa tự nhiên với những rêu phong phủ dày trên bề mặt lồi lõm. Hoàn toàn không có dấu vết gia công hay chạm khắc trên thân đá. Phần dưới bụng - nơi tiếp giáp với những tảng đá phía dưới - khá phẳng, đó là dấu vết của vết tách tự nhiên theo thớ đá. Di tích được đặt theo hướng đông bắc - tây nam.
Hai khối đá ở phía dưới được đưa từ nơi khác đến. Từ hai khối đá nền đó nhô cao 3 mỏm đá nhỏ, cao 0,8 - 1,0m cụm lại hình tam giác khá cân mà đỉnh ở phía đông nam, cách đều nhau 1,2 - 1,3m.
Đây chính là loại hình di tích Dolmen, một trong những loại hình của văn hóa Cự thạch mà lần đầu tiên phát hiện được ở Tuyên Quang.
Di tích Dolmen ở Xuân Tân có cấu trúc gần gũi với di tích cự thạch ở Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
Từ lâu, dân địa phương vẫn lưu truyền về các tảng đá này như là những “thin shấn” - đá thần. Vào đầu mùa vụ, người ta thường tế lễ trước tảng đá để cầu mong thần linh phù hộ.
Việc xác định ý nghĩa của các di tích cự thạch vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có tài liệu cho rằng, chúng thường là mộ của thủ lĩnh cộng đồng, là nơi tưởng nhớ những nhân vật lỗi lạc; hoặc có thể là khu đất thánh của thị tộc hay bộ lạc; hoặc là nơi tưởng niệm, thờ cúng tổ tiên. Cũng có ý kiến muốn gắn loại hình di tích văn hóa này với một vài tộc người nhất định.
Việc xác định niên đại của di tích cự thạch ở xã Xuân Tân, là một vấn đề khó. Theo nhiều nhà nghiên cứu, ở Đông Nam Á, phức hợp cự thạch nói chung và loại hình Dolmen nói riêng xuất hiện sớm nhất vào sơ kỳ thời đại Sắt. Tại nhiều vùng biệt lập ở Đông Nam Á, cho tới thời gian gần đây, một số dân tộc ít người vẫn tiếp tục truyền thống văn hóa cự thạch. Như vậy, tạm thời có thể xếp di tích Dolmen ở Xuân Tân vào thời đại Sắt ở nước ta, vào giai đoạn cuối của văn hóa Đông Sơn muộn.
Di tích cự thạch Thiện Kế, huyện Sơn Dương
Thuộc thôn Phố Dò, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương (ngoài di tích thôn Phố Dò, hai bờ sông Phó Đáy còn có các di tích cự thạch nằm ở các xã Hợp Hòa, Ninh Lai, Sơn Nam, huyện Sơn Dương) nằm trong một thung lũng rộng, trải dài theo hướng bắc - nam, hiện đang trồng lúa. Cách di tích khoảng 400m về phía tây là sông Phó Đáy chảy dọc thung lũng.
Di tích gồm một tấm đá phiến magma biến chất (gọi là tấm trần), có hình khối giống một con thuyền với hai bề mặt khá phẳng, dài 2,4m, rộng 0,9 - 1m, dày 0,3 - 0,35m, nằm theo hướng bắc - nam. Trên bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá đã bị lớp phong hóa bao phủ rất dày. Đáng chú ý là ở mỗi một đầu tấm đá được kê cao trên một số tảng đá to hình nêm chôn rất sâu trong lòng đất. Các tảng đá kê phía dưới đều có cùng chất liệu với tấm trần bên trên. Hiện tại, tấm đá lớn được kê cao hơn mặt đất là 0,45m.
Việc xác định niên đại của di tích cự thạch này được đặt trong mối liên hệ so sánh với các di tích đồng loại trong khu vực. Bước đầu có thể xác định di tích cự thạch Thiện Kế có niên đại khoảng sau Công nguyên vài ba thế kỷ, cách ngày nay gần 2.000 năm, khi văn hóa Đông Sơn vẫn tồn tại trên những vùng núi phía Bắc.