Các địa bàn xung yếu của Hà Nội chủ động ứng phó các cấp độ rủi ro thiên tai

Nhiều xã có địa hình xung yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội như xã đảo Minh Châu, hay xã Xuân Mai và xã Trần Phú được hợp nhất từ nhiều xã cũ, có địa hình chia cắt, thấp trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, được xác định là vùng trọng điểm thiên tai của thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai, bố trí sẵn sàng các điểm sơ tán, cung cấp áo phao cho người dân.

Một góc xã đảo Minh Châu. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Một góc xã đảo Minh Châu. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Mặc dù đây là năm đầu tiên triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nên có những nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ trong chỉ đạo ứng phó bão lũ, nhưng xã đảo Minh Châu, xã Xuân Mai và Trần Phú đã rất chủ động phòng chống thiên tai, với "phương châm 4 tại chỗ". Mặc dù, cơn bão số 3 có diễn biến khó lường, kèm theo mưa rất lớn, khả năng xuất hiện lũ rừng ngang, nguy cơ cao gây úng ngập diện rộng tại nhiều địa phương.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND xã Xuân Mai, xã có hơn 14.000 hộ dân, trong đó khoảng 1.433 hộ thường xuyên bị ngập lụt, với 6.553 nhân khẩu. Địa hình gò đồi xen kẽ đồng trũng khiến khả năng tiêu thoát nước bị hạn chế, đe dọa an toàn dân cư, sản xuất và hạ tầng.

Ngay sau khi thành lập xã mới theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xã đã xây dựng phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai, bố trí 20 điểm sơ tán, sẵn sàng tiếp nhận khoảng 6.500 người. Các tổ hỗ trợ sơ tán, lực lượng xung kích, dân quân, quân sự… đã được trưng tập.

Tuy nhiên, xã gặp khó khăn về trang thiết bị như xuồng máy, máy bơm, áo phao, lực lượng công an chính quy tại xã hiện chỉ có 65 người, nên khó bảo đảm công tác điều phối khi thiên tai xảy ra.

Tại xã Trần Phú, ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho biết, xã đã thành lập đầy đủ các tiểu ban, chuẩn bị lực lượng 1.200 người tại chỗ, hiệp đồng thêm 200 cán bộ, chiến sĩ, ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp vật tư gồm 15.000 bao tải, 2.000 cọc tre, vải bạt, phương tiện cơ giới... Các điểm tuần tra, trực ban cũng đã sẵn sàng triển khai nhiệm vụ.

Tuy nhiên, địa phương cũng kiến nghị thành phố bổ sung thiết bị chuyên dụng và làm rõ chỉ giới, địa giới hành chính mới sau sáp nhập để phối hợp chỉ đạo không bị chồng chéo.

Còn tại xã đảo Minh Châu nằm giữa sông Hồng, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm và giao thương của người dân phụ thuộc vào phà, đò ngang dòng sông lớn, UBND xã đã chủ động trang bị 50 áo phao phục vụ khách đi đò, bố trí 20 thuyền composite, 200 áo phao để hỗ trợ cho các cụm dân cư sử dụng trong tình huống cần thiết..

Để đảm bảo an toàn cho người dân trong cơn bão số 3, ông Nguyễn Đức Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu cho biết, từ ngày 20.7, xã đã thành lập Ban Chỉ huy để chủ động ứng phó với mưa bão, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Bên cạnh đó, xã Minh Châu cũng đã có văn bản đôn đốc các đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ lũ, sạt lở; triển khai ngay phương án sơ tán người dân nếu cần thiết, chủ động các phương án bảo vệ sản xuất, hoa màu, gia súc…

Đồng thời, xã Minh Châu cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, từng khu dân cư.

Xã Minh Châu còn tổ chức lực lượng ứng trực 24/24h, gồm lãnh đạo UBND xã, công an, quân sự và các lực lượng liên quan. Xã cũng công bố công khai số điện thoại đường dây nóng là số của lãnh đạo xã (0913.336.663) để tiếp nhận thông tin từ nhân dân - ông Nguyễn Đức Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu thông tin.

Để hỗ trợ các xã trong cơn bão số 3, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố… đều khẳng định hỗ trợ các địa phương về lực lượng, phương tiện, bảo đảm thông tin liên lạc, giao thông… khi xuất hiện các tình huống thiên tai lớn, phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đánh giá hai xã Xuân Mai, Trần Phú là địa bàn trọng điểm có sự chủ động cao, rõ phương án và lực lượng ứng cứu. Đồng thời, đã vận hành tốt mô hình "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi tình huống thiên tai.

Về mặt lâu dài, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp các địa phương nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn cho người dân theo hướng bền vững ít nhất là 50 năm. “Tính toán xem phương án di dời dân cư khu vực thấp trũng đến nơi ở mới an toàn, ổn định, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế cho khu vực người dân di chuyển. Xây dựng tuyến đê bền vững"- ông Nguyễn Mạnh Quyền Phó- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh...

Theo NAM GIANG (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/cac-dia-ban-xung-yeu-cua-ha-noi-chu-dong-ung-pho-cac-cap-do-rui-ro-thien-tai-154951.html