Các địa danh văn hóa gắn với giáo dục ở Quảng Ninh

Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Thư viện tỉnh… là những địa danh văn hóa gắn liền với hoạt động giáo dục ở Quảng Ninh.

Học sinh tham quan tại tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.

Học sinh tham quan tại tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.

Địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống lịch sử

Những năm qua, Quảng Ninh đẩy mạnh giáo dục văn hóa và lịch sử thông qua các địa điểm văn hóa. Đây không chỉ là nhiệm vụ lưu giữ và phát huy di sản văn hóa mà còn là chiến lược nhằm biến văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 17-NQ/TU được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 30/10/2023.

Với chức năng bảo tồn và truyền bá các giá trị lịch sử - văn hóa, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật mà còn là một địa điểm giáo dục văn hóa sống động, đưa học sinh đến gần hơn với lịch sử và di sản quê hương đất mỏ. Qua đó, bảo tàng không ngừng đổi mới cách thức tổ chức và nội dung trưng bày thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm đa dạng.

Điểm nhấn trong không gian bảo tàng là khu trưng bày các di sản văn hóa đặc trưng của Quảng Ninh như lịch sử ngành khai thác than, nghề đóng tàu truyền thống, các làng nghề thủ công và văn hóa dân tộc. Các hiện vật và tài liệu tại bảo tàng được sắp xếp theo trình tự thời gian, từ thời tiền sử đến hiện đại, tạo nên một bức tranh tổng quát về quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình “Khám phá nhịp sống mỏ” tại bảo tàng đã thu hút sự tham gia của rất nhiều học sinh. Tại đây, các em có cơ hội nhập vai người thợ mỏ, trải nghiệm quá trình khai thác than, cảm nhận khó khăn và niềm tự hào của nghề.

Em Bùi Vân Hà học sinh lớp 8A2, Trường THCS Cao Thắng hào hứng kể: “Lần đầu tiên em được xem cận cảnh trong lò. Chúng em đã học được cách rèn luyện tính kiên nhẫn và hiểu hơn về sự vất vả của công việc khai thác than”.

 Nhóm học sinh trong câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” trao đổi tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh.

Nhóm học sinh trong câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” trao đổi tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh.

Bảo tàng Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản như: Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, chương trình “Giờ học lịch sử”… thu hút hơn 2500 em học sinh tham gia.

Cô Vũ Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Hạ Long chia sẻ: “Khi được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các hoạt động tại bảo tàng, học sinh nhớ kiến thức lâu hơn và thêm yêu lịch sử. Các chuyến tham quan này mang lại giá trị giáo dục lâu dài và gắn bó các em với di sản của địa phương”.

Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm học 2023-2024 có khoảng 20.000 học sinh từ các trường học trong tỉnh đến tham quan tại bảo tàng, trong đó không ít học sinh lần đầu tiên tiếp xúc gần gũi với lịch sử địa phương qua hiện vật thật.

“Chúng tôi luôn hướng đến việc biến bảo tàng thành một phòng học mở, nơi học sinh có thể học lịch sử qua các hiện vật và hoạt động trực quan”, ông Tiến nói.

Bên cạnh Bảo tàng tỉnh, các khu di tích lịch sử cũng trở thành địa điểm thu hút nhiều trường đưa học sinh đến tham quan, học tập. Đặc biệt, khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng tại thị xã Quảng Yên diễn ra rất nhiều tiết học lịch sử bên dòng sông Bạch Đằng.

Theo cô giáo Hoàng Kim Nguyệt, giáo viên lịch sử Trường TH&THCS Hoàng Tân, cách tiếp cận này nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên không chỉ dạy qua sách vở mà còn tạo ra những buổi học lịch sử thực địa, đưa học sinh đến chính những nơi từng diễn ra các trận chiến lịch sử. Đây là phương pháp hiệu quả trong việc dạy lịch sử và môn giáo dục địa phương.

Địa danh gắn liền với văn hóa đọc

Trong khi bảo tàng và các khu di tích đóng vai trò là lớp học lịch sử mở, Thư viện tỉnh Quảng Ninh lại là một trung tâm phát triển văn hóa đọc, hướng tới xây dựng thói quen đọc sách cho các thế hệ trẻ.

Với vai trò là một thiết chế văn hóa quan trọng, cung cấp không gian trải nghiệm giáo dục toàn diện. Năm 2024, Thư viện tỉnh đã tích cực đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động, đưa các sản phẩm và dịch vụ đến gần hơn với bạn đọc.

Tính đến tháng 11/2024, Thư viện tỉnh phục vụ 302.241 lượt bạn đọc; 1.950.500 lượt sách báo; 19.750 lượt khách tham quan; 2.300 bạn đọc ngoại khóa. Trong đó, số lượng bạn đọc lứa tuổi học sinh chiếm 70%.

Bên cạnh đó, thư viện tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa góp phần thu hút bạn đọc đặc biệt là các em học sinh tham quan, học tập và trải nghiệm như: Tổ chức hội sách, báo xuân, các hoạt động “Ngày sách và văn hóa đọc”, “Tuần lễ học tập suốt đời”, các cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, “Sáng tạo với sách, báo cũ”…

 Học sinh tham quan, học tập tại Thư viện tỉnh.

Học sinh tham quan, học tập tại Thư viện tỉnh.

Thư viện tỉnh cũng đặc biệt chú trọng việc kết nối học sinh với các diễn giả và chuyên gia qua các buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn hóa đọc. Đây là cơ hội để học sinh lắng nghe câu chuyện của những người đã góp phần làm giàu nền văn hóa dân tộc.

“Tuần nào em cũng đến thư viện đọc sách và không bỏ lỡ bất cứ sự kiện giao lưu diễn giả nào. Vì em được truyền cảm hứng và gặp trực tiếp các tác giả lớn”, em Nguyễn Hà Linh, lớp 12, Trường THPT chuyên Hạ Long chia sẻ.

Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn phát triển các chương trình giới thiệu sách qua hình thức trực tuyến và mạng xã hội, giúp lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều đối tượng học sinh hơn.

Theo anh Lê Minh Hải, phụ huynh có con tham gia chương trình “Ngày hội sách” tại thư viện thì việc tổ chức các hoạt động như thế này khiến trẻ em thích đọc sách hơn. “Con tôi có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng từ những cuốn sách mà cháu tự chọn. Hơn nữa, cháu đã biết đọc sách và sử dụng sách một cách sáng tạo”, anh Hải nói.

Bà Bùi Thúy Hải, Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi là ưu tiên hàng đầu. Thư viện sẽ tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo văn hóa đọc để thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Huyền Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cac-dia-danh-van-hoa-gan-voi-giao-duc-o-quang-ninh-post712114.html