Các địa phương cần có lộ trình triển khai ngay Luật Đất đai (sửa đổi)

UBND, các Sở, ngành các tỉnh, thành phố cần tập trung nghiên cứu ngay và có lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn. Làm sao để đến ngày 01/01/2025, khi luật chính thức có hiệu lực sẽ có sự đồng bộ giữa Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ ngành, Quy định của UBND tỉnh, thành phố; đảm bảo một thể thống nhất trong tổ chức thực hiện đưa luật vào cuộc sống...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuối tuần qua tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức hội nghị ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua nhằm sớm tuyên truyền những điểm đổi mới, đột phá của luật; đồng thời, tiếp tục lắng nghe, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của tập thể, các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành để Bộ, ngành, các cấp tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật trong tổ chức thực hiện.

Sau 4 Kỳ họp cho ý kiến, ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: tinh thần lớn nhất của luật chính là vấn đề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong nhiều thủ tục đất đai.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: tinh thần lớn nhất của luật chính là vấn đề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong nhiều thủ tục đất đai.

Theo ông Ngân, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và của các Bộ ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước.

Đông đảo người dân, cử tri tin tưởng luật khi đi vào cuộc sống sẽ phát huy mạnh mẽ nguồn lực đất đai, bảo đảm khoa học, nhân văn, hài hòa quyền và lợi ích, trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội.

Luật Đất đai (sửa đổi) là cơ sở pháp lý rất quan trọng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà Luật Đất đai 2013 còn tồn tại, bất cập.

Luật Đất đai (sửa đổi) là cơ sở pháp lý rất quan trọng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà Luật Đất đai 2013 còn tồn tại, bất cập.

Thông tin những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi), ông Ngân cho biết, tinh thần lớn nhất của luật chính là vấn đề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong nhiều thủ tục đất đai.

Về tiếp cận đất đai, luật coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà có Quốc tịch Việt Nam là người sử dụng đất trong nước. Đây là bước tiến mới thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, phù hợp với Hiến pháp và chủ trương của Đảng.

Để đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống, hạn chế chồng chéo vướng mắc, trong quá trinh soạn thảo, cơ quan soạn thảo cũng đã rà soát 122 Luật liên quan, 22 Luật liên quan trực tiếp các quy định cụ thể... đảm bảo sự thống nhất.

Theo các đại biểu, Luật Đất đai (sửa đổi) là Bộ luật rất quan trọng có tác động rất sâu rộng đến sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà Luật Đất đai 2013 còn tồn tại, bất cập, cũng như triển khai các thủ tục đất đai có liên quan, đặc biệt là việc phân cấp rất mạnh, cải cách hành chính mà các địa phương phải triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Do đó, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị UBND, các Sở, ngành các tỉnh, thành phố cần tập trung nghiên cứu ngay và có lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh, thành. Trong đó, quan trọng nhất là phải tổ chức xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

“Chúng ta phải làm sao để đến ngày 01/01/2025, khi Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thì phải có sự đồng bộ giữa Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ ngành, Quy định của UBND tỉnh, thành phố; đảm bảo một thể thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện để đưa luật đi vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của đất nước theo Nghị quyết Trung ương Đảng, tạo động lực để nước ta sớm trở thành một nước phát triển có thu nhập cao”, ông Ngân nhấn mạnh.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-dia-phuong-can-co-lo-trinh-trien-khai-ngay-luat-dat-dai-sua-doi.htm