Các địa phương chạy đua giải ngân vốn đầu tư công
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước chưa đạt 60% kế hoạch vốn, nhưng nhìn vào bảng tổng hợp giải ngân của các bộ, ngành, địa phương đã thấy được 'tín hiệu vui' khi liên tục có sự thay đổi về tỷ lệ giải ngân. Điều này cho thấy, các địa phương đang chạy đua với thời gian và quyết tâm đạt tỷ lệ cao nhất về giải ngân khi kết thúc năm ngân sách.
Nhiều tín hiệu vui
Bắc Giang là một điển hình cho sự bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công khi đến thời điểm này, tỉnh đã giải ngân đạt gần 90% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt gần 70% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao. Kết quả trên cho thấy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác thực hiện dự án và giải ngân. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, hàng tháng đều có các cuộc họp tổng hợp tiến độ thực hiện của các dự án, cũng như các khó khăn vướng mắc trong công tác giải ngân và báo cáo kết quả về UBND tỉnh để có chỉ đạo, xử lý kịp thời các vướng mắc.
Đặc biệt, tại tỉnh Bắc Giang, các chủ đầu tư rất quyết liệt trong công tác triển khai dự án và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nên tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh đều đạt rất cao.
Năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp (Ban QLDA dân dụng) tỉnh Bắc Giang thực hiện 18 dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, trong đó có một số dự án nối tiếp từ các năm trước với tổng vốn được duyệt 552 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Ban Quản lý cho biết, các dự án đều đang đảm bảo tiến độ đề ra, không có dự án nào bị chậm hoặc vướng mắc về giải ngân.
Theo ông Nguyễn Văn Đô, ngoài việc chủ động đăng ký, bố trí vốn bảo đảm yêu cầu các công trình dự án, Ban QLDA dân dụng đã thường xuyên đôn đốc các nhà thầu tăng cường nhân lực, vật tư, trang thiết bị, lập tiến độ thi công, xây dựng kế hoạch công việc cần phải thực hiện cho từng tuần, tháng; bố trí cán bộ có kinh nghiệm quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng tại hiện trường; duy trì thường xuyên việc kiểm điểm tiến độ thi công nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các dự án, nhất là phải chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng - luôn là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải ngân chậm.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng những dự án trên địa bàn để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với công trình còn vướng mặt bằng, chủ đầu tư phải tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân bàn giao mặt bằng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết khiếu nại.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp giải quyết công việc, rà soát, tiết giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; hạn chế việc chia nhỏ các gói thầu, hoặc quá nhiều nhà thầu tham gia. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần lựa chọn nhà thầu thi công lớn, có năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, dự án sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Với các giải pháp đã thực hiện, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một điển hình trong sự bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công khi đến thời điểm này, toàn tỉnh đã giải ngân được trên 7.157 tỷ đồng, đạt gần 91% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trên 53% tổng kế hoạch vốn của tỉnh trong năm 2022.
Quyết tâm với trọng trách cao nhất
Có thể thấy đặc thù của công tác giải ngân năm nào cũng thế, đó là thong thả những tháng đầu năm, chạy nước rút vào tháng cuối năm và năm nay cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, tác động của dịch Covid-19, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao… là những nguyên nhân khách quan đưa đến việc giải ngân chậm. Tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời đưa ra những chỉ đạo và giải pháp để gỡ vướng cho công tác này.
Tại Nghị quyết 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch
Tại Nghị quyết 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm và chỉ còn 2 tháng nữa để giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công (tính đến 31/1/2023). Do đó, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư đạt trên 95% theo đúng mục tiêu của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hỗ trợ tích cực chủ đầu tư để xử lý dứt điểm các trường hợp còn vướng mắc, tồn đọng và yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo cụ thể từng trường hợp cho ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết triệt để các khó khăn giúp các nhà thầu triển khai dự án nhanh chóng.
Để đạt mục tiêu đề ra, TP. Hà Nội - địa phương được giao kế hoạch vốn đầu tư lớn trong năm 2022 đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt hơn 90% kế hoạch vốn năm 2022, UBND thành phố tiếp tục yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết. Đặc biệt, đối với những dự án trọng điểm, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thi công liên tục 3 ca/ngày, đồng thời điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt…
* Ông Trần Quang Nguyên - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Lạng Sơn:
Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo giải ngân
Để góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hàng tuần, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Lạng Sơn đều thực hiện báo cáo cho tỉnh ủy, UBND tỉnh số liệu giải ngân của từng chủ đầu tư, những dự án còn số dư lớn; hàng tháng báo cáo chi tiết đến từng dự án và kiến nghị đề xuất để cấp ủy, chính quyền địa phương có thông tin và chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, KBNN Lạng Sơn đã phối hợp với cơ quan tài chính thực hiện công tác đối chiếu, báo cáo số dư dự toán và số dư tạm ứng chuyển sang năm sau, tổng hợp báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình và kết quả giải ngân vốn đầu tư công hàng tuần, hàng tháng; cung cấp số liệu kịp thời phục vụ công tác kiểm toán.
KBNN Lạng Sơn đã thực hiện công khai kết quả giải ngân chi tiết từng dự án, từng chủ đầu tư qua hòm thư điện tử dùng chung. Tuyên truyền, vận động các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng cường giao nhận hồ sơ kiểm soát chi qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN nhằm rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán và công khai, minh bạch trong kiểm soát chi, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, đồng thời tiết kiệm chi phí đi lại giao nhận hồ sơ thủ công như trước đây.
* Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bắc Giang:
Chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp giúp giải ngân khởi sắc
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Giang đã có sự khởi sắc trong 3 tháng trở lại đây khi đạt tỷ lệ gần 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này là những nỗ lực và sát sao của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác giải ngân. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nhà thầu, dự án nào chậm tiến độ, tỉnh kiên quyết cắt giảm, chuyển cho các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt hơn.
Về phía KBNN Bắc Giang, chúng tôi đã quán triệt đến từng cán bộ công chức chấp hành nghiêm các quy trình, quy định trong thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn. Những trường hợp chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ thanh toán do nguyên nhân chủ quan của giao dịch viên đều phải giải trình, kiểm điểm và đưa vào đánh giá kết quả thi đua.
Đặc biệt, với vai trò và trách nhiệm được giao, KBNN Bắc Giang đã luôn phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện nhanh các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn khi có khối lượng hoàn thành, không dồn vào cuối quý, cuối năm.
Ngoài việc đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến giúp cho nguồn vốn đến nhanh được các dự án, công trình, KBNN Bắc Giang đã áp dụng linh hoạt 2 phương thức thanh toán là “thanh toán trước, kiểm soát sau” và "kiểm soát trước, thanh toán sau” đã góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Giang tăng cao.
* Ông Hoàng Thế Hưng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang:
Tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng giúp tỷ lệ giải ngân đạt cao
Năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang được giao 31 dự án với số vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Ban đã giải ngân được hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch được giao.
Ngay khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, được sự chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh, chúng tôi đã xây dựng tiến độ thực hiện cho dự án trong đó đưa ra các mốc thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng và giải phóng mặt bằng bảo đảm theo đúng kế hoạch đã đặt ra.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án chính là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, những khó khăn này đã được tỉnh bắc Giang kịp thời tháo gỡ bằng các giải pháp như: Ban hành văn bản quy định chế độ phối hợp giữa chủ đầu tư với địa phương trong GPMB, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác GPMB....
Ngoài ra, với việc cải cách, hiện đại hóa các nghiệp vụ kiểm soát, thanh toán vốn của KBNN Bắc Giang khi đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến đã tạo rất nhiều thuận lợi cho chúng tôi khi không phải mất nhiều thời gian đến kho bạc, nhưng vẫn theo dõi được quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của cán bộ kho bạc và tình trạng hồ sơ. Vì thế mà nguồn vốn đến nhanh được với các công trình, giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội.