Các địa phương chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn
Trước ảnh hưởng của bão số 3, mực nước các sông dâng lên cao, thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên đã chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Hà Nội đã sơ tán hơn 27.980 người dân đến nơi an toàn
Theo báo cáo, từ 7 giờ ngày 10/9 đến 16 giờ ngày 11/9, lượng mưa ở Hà Nội dao động phổ biến từ 50 mm đến trên 100 mm. Một số điểm có lượng mưa cao như: Hoài Đức 144 mm; Quốc Oai (Nghĩa Hương) 122,8 mm; Thượng Cát 117 mm.
Thời điểm hiện tại, một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ. Cụ thể: Hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 5 cửa xả đáy. Mực nước tại một số sông và các trục tiêu ở thành phố đang ở mức cao: Mực nước trên sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Nhuệ đều đạt báo động 3; riêng sông Bùi tại Yên Duyệt đang là 7,66m đã vượt đỉnh lũ năm 2018 (7,51 m), sông Mỹ Hà đạt báo động 1.
Sông Hồng đạt báo động 2 tại các trạm đo, sông Đáy đạt báo động 2, sông Đà đạt báo động 1. Mực nước các hồ chứa nước chính ở thành phố đang ở mức cao. Hầu hết hồ vượt ngưỡng tràn (Suối Hai, Mèo Gù, Tân Xã, Ban Tiện, Kèo Cả, Đồng Quan, Quan Sơn, Văn Sơn...).
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các lực lượng chức năng đã triển khai sơ tán, di rời khoảng 27.980 người dân tại những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa, lũ đến nơi an toàn. Cùng với đó, Hà Nội triển khai phòng, chống ngập úng, vận hành cửa phai của hồ điều hòa như: Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối... và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế...; vận hành 190 trạm bơm tiêu với 586 máy bơm...
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai kế hoạch, phương án hộ đê, ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; thông báo liên tục cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định khu vực nguy hiểm, địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán.
Địa phương chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân...
Hưng Yên đưa phương tiện tiếp cận, đưa người dân đến nơi an toàn
Thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên, trước ảnh hưởng của bão số 3, mực nước các sông dâng lên cao, có nơi báo động 3, đến sáng 12/9, các huyện, thị xã, thành phố có người dân nằm trong khu vực nguy hiểm tổ chức cán bộ, chiến sĩ thường trực, lực lượng dân quân cùng các phương tiện ca nô, xuồng máy, luồn lách vào ngõ hẻm, tiếp cận và đưa trên 12.000 người dân đến nơi an toàn.
Tại một số huyện, thị xã, thành phố, mực nước các sông dâng cao gây ngập úng hoa màu và một số hộ dân ven sông. Các đơn vị huy động hơn 400 quân nhân thường trực và hơn 3.000 dân quân tự vệ phối hợp các địa phương triển khai di dời người, tài sản và vật nuôi đến nơi tránh, trú an toàn; tuyên truyền, động viên, hướng dẫn bà con sơ tán khỏi vùng ngập lụt.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên tổ chức đoàn kiểm tra,chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và mực nước trên các sông, nhất là khu có nguy cơ bị ngập lụt, sẵn sàng chủ động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng phó, cơ động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, chú trọng bảo vệ an toàn trọng điểm đê, kè, cống, vị trí xung yếu, khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở, kịp thời xử lý trước khi tình huống xấu có thể xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng canh trực 24/24 giờ, phát hiện và xử lý các mạch đùn mạch sủi, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", huy động tối đa nguồn lực, vật lực, trang bị, phương tiện để xử lý có hiệu quả tình huống, quyết tâm không để thiệt hại về tài sản và tính mạng, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Trong ngày 11/9, Quân khu 3 hỗ trợ 2 tấn gạo cho tỉnh Hưng Yên. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vận chuyển bàn giao cho các huyện, thành phố và lựa chọn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ...