Các địa phương chủ động ứng phó mưa lũ
Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới - Nguồn: nchmf.gov.vn
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, lúc 13 giờ ngày 16/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở khoảng 15,8 độ vĩ Bắc, 110,2 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định khoảng 160km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo từ nay đến ngày 21/10, khu vực Phú Yên có mưa rất to, lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 350mm. Từ ngày 17-21/10, các sông trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ các sông nhỏ có khả năng lên trên mức báo động cấp II, sông Ba ở mức báo động cấp 1-2, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị có thể xảy ra…
Cũng theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, đến chiều 16/10, có 244 tàu cá/1.336 lao động Phú Yên đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó 166 tàu cá/983 lao động hoạt động xa bờ (vùng biển giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa), 78 tàu cá/353 lao động hoạt động gần bờ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Tất cả các tàu cá trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến của ATNĐ, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc về gia đình và bộ đội biên phòng.
Các hồ thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông HNăng đang vận hành bình thường, mực nước ở mức thấp, nhiều hồ xấp xỉ và chỉ hơn mực nước chết, không xả qua tràn. Các hồ thủy lợi hiện mực nước ở mức thấp, đang trong quá trình tích nước.
Để chủ động ứng phó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương cùng nhân dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, kịp thời thông tin cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến ATNĐ để chủ động phòng, tránh thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền tại các khu tránh trú, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Các địa phương chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản khu vực ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ. Các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó với diễn biến ATNĐ và mưa lớn trên diện rộng theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng các phương án sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp, ngập lụt, chia cắt, đề phòng mưa lũ kéo dài và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh và có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ và mưa lũ, mực nước các hồ chứa để phối hợp vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạn chế mức độ ngập lụt hạ du.
Các địa phương chủ động bố trí lực lượng đối với các khu vực ngập lụt, nước chảy xiết để bảo vệ dân cư; nghiêm cấm đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết, vớt củi trên các sông suối… trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi chỉ đạo và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/247731/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-mua-lu.html