Các địa phương chủ động ứng phó với tình hình hạn hán

Hiện nay, mực nước các nơi trong tỉnh đang xuống thấp, gây bất lợi cho sản xuất và đời sống. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp và hầu hết các địa phương trong tỉnh khẩn trương chủ động các phương án ứng phó kịp thời.

Một số diện tích lúa hè thu trên địa bàn huyện Hồng Ngự đang chuẩn bị xuống giống

Một số diện tích lúa hè thu trên địa bàn huyện Hồng Ngự đang chuẩn bị xuống giống

Tại huyện Hồng Ngự, ông Nguyễn Văn Khơi - Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết, đến thời điểm hiện tại các trạm bơm điện vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước cho diện tích sản xuất lúa và hoa màu của địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước tưới từ nay đến đỉnh điểm mùa khô, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, các hợp tác xã (HTX) tiếp tục thực hiện các giải pháp chống hạn như nạo vét kênh mương, khai thông luồng lạch, điều chỉnh lịch tưới tiêu phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...

Hiện 5 danh mục địa phương nạo vét kênh mương trong năm 2020 (gồm các kênh: Thường Phước - Ba Nguyên, Kênh Thới Thường 1, Thới Thường 2, Cả Sách - Năm Hang, Kênh 17) huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khảo sát và tiến hành nạo vét trong thời gian tới. Riêng kênh Thường Phước - Ba Nguyên phục vụ nước tưới cho khoảng 1.900ha đang bồi lắng nhiều, do bồi đắp của cơn lũ năm 2019 và sạt lở khiến có những đoạn mực nước thấp nên sẽ tiến hành nạo vét trước nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất lúa và hoa màu.

Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi sang sản xuất một số cây màu chịu hạn và bước đầu đã có những mô hình trồng màu hiệu quả như mô hình trồng mè tưới bằng hệ thống phun sương tiết kiệm nước, mô hình trồng sắn, đậu nành, bắp...

Huyện Tháp Mười hiện có 129 trạm bơm điện (đạt 95% phục vụ diện tích tưới cho sản xuất), đảm bảo phục vụ tốt diện tích nước tưới cho khoảng 37.500ha sản xuất lúa và hoa màu. Theo ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, thực hiện công tác chống hạn, huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn không được lơ là, tập trung kiểm tra các kênh mương có nguy cơ thiếu nước để có giải pháp nạo vét, điều chỉnh lịch bơm tưới hợp lý.

Lãnh đạo UBND huyện Lai Vung cho biết, huyện Lai Vung chủ yếu là diện tích cây ăn trái, để đảm bảo lượng nước cho việc tưới tiêu cho các diện tích này, địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn duy trì tích trữ nước ở các kênh, rạch để đảm bảo đủ nước tưới trong tình hình thủy triều xuống thấp. Đồng thời, địa phương cũng chủ động các biện pháp khác như nạo vét kênh mương, đầu tư nâng cấp các công trình cung cấp nước cho người dân. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung tuyên truyền, yêu cầu bà con thực hiện tốt việc tưới tiết kiệm để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí nước.

Mực nước tại các kênh rạch bị cạn kiệt khi thủy triều xuống thấp

Mực nước tại các kênh rạch bị cạn kiệt khi thủy triều xuống thấp

Tình hình thời tiết hiện ngày càng phức tạp, tại cuộc họp về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng đã chỉ đạo, các địa phương cần chủ động ứng phó nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sớm và kéo dài trong mùa khô.

Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, phòng, chống hạn hán trong mùa khô là công tác thực hiện thường xuyên, để thực hiện có hiệu quả, Đồng Tháp đã chủ động lập kế hoạch phòng, chống hạn và có định hướng đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng tích hợp với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm ngập mặn (theo Quy hoạch phát triển thủy lợi được tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1652/QĐ-UBND.HC ngày 28/12/2018); đẩy nhanh và vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cấy trồng tại các khu vực hàng năm thiếu nước tưới; thay đổi lịch thời vụ để né tránh hạn hán.

Mô hình tưới ướt khô xen kẽ thực hiện ở Hợp tác xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười)

Mô hình tưới ướt khô xen kẽ thực hiện ở Hợp tác xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười)

Hiện nay tỉnh có mô hình tưới ướt khô xen kẽ thực hiện ở Hợp tác xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười), đây là mô hình áp dụng công nghệ 4.0 trong tưới tiêu tiên tiến tiết kiệm nước; bên cạnh đó còn có mô hình tưới cho hoa màu và cây ăn trái... “Về nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh giao Sở Xây dựng lập các trạm nước mặt cho vùng dựa trên nguồn nước thực tế để từng bước thay thế trạm cấp nước ngầm đảm bảo nước sinh hoạt của nhân dân trong mùa hạn hán. Kiểm soát chặt chẽ và quy hoạch lại vùng nuôi thủy sản phù hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng vào mùa kiệt” - ông Ngoan cho biết.

MN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-voi-tinh-hinh-han-han-90577.aspx