Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp
ĐBP - Ngày 28/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất vụ đông xuân năm 2020 - 2021, triển khai kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa và định hướng vụ đông năm 2021 các tỉnh phía Bắc.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.
Vụ đông xuân 2020 - 2021, các tỉnh phía Bắc gieo cấy 1,086 triệu héc ta lúa, giảm 12 nghìn héc ta so với vụ đông xuân năm trước; năng suất ước đạt 63,6 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha). Trong đó các tỉnh Bắc Trung bộ năng suất trung bình đạt 64,2 tạ/ha; các tỉnh đồng bằng sông Hồng năng suất đạt 65,9 tạ/ha; các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc đạt 58,3 tạ/ha. Vụ đông xuân năm nay, các địa phương đã tổ chức chuyển đổi khoảng 10,1 nghìn héc ta đất trồng lúa sang trồng các loại rau màu khác, góp phần tăng hiệu quả, giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân. Nhiều tỉnh đã áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình sản xuất lúa hữu cơ; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau; cánh đồng mẫu lớn... đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tại tỉnh Điện Biên, tổng diện tích gieo cấy lúa đông xuân đạt 9.916,16ha (đạt 103,37% kế hoạch); năng suất ước đạt 57,94 tạ/ha. Tổng diện tích rau màu đã gieo trồng đạt 30.832ha, gồm: Ngô, đậu tương, khoai lang, khoai sọ, sắn và các loại rau đậu, dong riềng.
Kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2021, các tỉnh phía Bắc dự kiến gieo cấy 1,217 triệu héc ta lúa, năng suất trung bình dự kiến đạt 51,8 tạ/ha; sản lượng 6,3 triệu tấn. Đối với sản xuất vụ Đông 2021, Cục Trồng trọt dự kiến xây dựng kế hoạch diện tích khoảng 400.000ha. Đối với tỉnh Điện Biên, vụ mùa dự kiến toàn tỉnh gieo cấy 19.742ha, năng suất dự kiến đạt 51,95 tạ/ha; rau vụ mùa 1.493ha; sản xuất cây vụ đông dự kiến 1.347ha.
Để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất và hoàn thành các chỉ tiêu của vụ hè thu, vụ mùa, vụ đông 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, diễn biến thời tiết và thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở chính sách chung, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế để chủ động xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích tổ chức sản xuất theo “cánh đồng lớn”, mở rộng dồn điền đổi thửa, áp dụng tối đa tiến bộ kỹ thuật… nhằm giảm thời gian, công lao động và tăng hiệu quả kinh tế; chủ động quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại.