Các địa phương cùng thu hút đầu tư hay phát triển tập trung để không lãng phí?

Chuyên gia cho rằng cần rút kinh nghiệm từ việc đầu tư dàn trải một số dự án công, xác định rõ mục tiêu mà Việt Nam hướng đến để đưa ra các quyết sách đúng đắn về phát triển công nghiệp bán dẫn.

Thời gian gần đây, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang coi công nghiệp bán dẫn là mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cả 3 thành phố này muốn trở thành địa phương đi đầu trong công nghiệp bán dẫn của cả nước cũng như khu vực.

Ngoài ra, một số tỉnh thành khác cũng rục rịch đầu tư cho công nghiệp bán dẫn. Có chuyên gia cho rằng cần để các địa phương tự thu hút nhà đầu tư bằng lợi thế của mình. Nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn về hiệu quả ngân sách đầu tư công nếu việc phát triển công nghiệp bán dẫn trở thành "phong trào" ở nhiều nơi.

Chia sẻ với VietTimes, GS.TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, nhận xét Hà Nội, TP.HCM có ưu thế về nhân lực chất lượng cao, đặc biệt Hà Nội có ưu thế về nghiên cứu, phát triển các ngành khoa học vật liệu, logistics, quản lý sản xuất, công nghệ thông tin.

Đà Nẵng và Quảng Nam có thêm tài nguyên thiên nhiên là cát trắng chất lượng cao, là nguyên liệu silic, cần cho công nghiệp bán dẫn. Trong khi Bắc Ninh là nơi Foxconn đã đầu tư từ nhiều năm, có nguồn nhân lực sản xuất quen với các dây chuyền sản xuất tập trung.

GS.TS Nguyễn Ái Việt cho rằng không chỉ Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM mà một số tỉnh thành khác cũng có cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn theo cách tận dụng các lợi thế riêng có.

Theo ông Việt, các tỉnh, thành phố trên nên được tự do phát triển theo sở trường, phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài - những đối tác đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Việc đưa công nghiệp bán dẫn về một tỉnh hoặc thành phố đầu mối sẽ có ưu điểm là tối ưu hóa nguồn lực. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng giai đoạn đầu, ưu điểm đó có thể chưa phát huy được tác dụng, ngược lại có thể gây trở ngại cho phát triển vì dễ tạo ra tệ quan liêu, trong khi trước mắt cần cơ chế linh hoạt, quyết định nhanh.

 GS.TS Nguyễn Ái Việt cho rằng các tỉnh thành phố muốn phát triển công nghiệp bán dẫn có thể thu hút các nhà đầu tư bằng lợi thế riêng có.

GS.TS Nguyễn Ái Việt cho rằng các tỉnh thành phố muốn phát triển công nghiệp bán dẫn có thể thu hút các nhà đầu tư bằng lợi thế riêng có.

Là người có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, từng lãnh đạo bộ phận thiết kế vi mạch của FPT Software, hiện là Tổng giám đốc công ty CoAsia Semi Vietnam, quản trị diễn đàn Cộng đồng vi mạch Việt Nam – ông Nguyễn Thanh Yên chia sẻ rằng Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM là nơi có các đại học kỹ thuật đầu ngành, có các khu công nghiệp sản xuất điện tử quy mô lớn, vừa có đủ điều kiện đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa đảm bảo thị trường lao động của nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, theo ông Yên, xét trên tổng thể, lĩnh vực sản xuất bán dẫn ở Việt Nam gần như chưa có nền tảng gì đáng kể. Mặc dù gần đây các phương tiện truyền thông đưa tin về việc SamSung đóng gói chip cao cấp tại Việt Nam, hoặc nhà máy chip của Intel tại Việt Nam đạt doanh thu lớn; hãng ON Semiconductor, hãng Hana Micron, hãng Amkor xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp… nhưng tất cả các công ty trên đều có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà máy này sử dụng quy trình có tính tự động hóa rất cao, máy móc đóng vai trò chủ yếu. Các công ty Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái sản xuất bán dẫn.

“Nói riêng mảng thiết kế chip thì nhân lực kỹ thuật người Việt Nam cũng chủ yếu là làm cho các công ty nước ngoài. Kỹ sư Việt Nam có nhiều người giỏi nhưng đặc thù là giỏi ở từng khâu, từng công đoạn, chưa xuất hiện đội ngũ đông đảo ở mức tổng công trình sư, tự tin thiết kế hoàn chỉnh và thương mại hóa được chip”, ông Yên cho biết.

Với điều kiện xuất phát điểm của Việt Nam có khoảng cách rất xa so với các nước có ngành bán dẫn phát triển, ông Yên cho rằng Việt Nam cần một chiến lược phát triển mang tính tập trung và tầm nhìn dài hạn thay vì giao cho từng tỉnh thành tự phát triển.

Một chiến lược tập trung sẽ huy động được tất cả nguồn lực quốc gia để vừa có thể phát huy tối đa các lợi thế đặc thù của từng tỉnh thành, vừa có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn.

Chia sẻ tại một hội thảo về công nghiệp bán dẫn gần đây, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho biết trong đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ, Việt Nam sẽ có 4 trung tâm bán dẫn dùng chung quốc gia, trong đó 2 trung tâm đặt tại Hà Nội, 1 đặt tại Đà Nẵng và 1 tại TP.HCM. Ngoài ra, còn có 18-20 trung tâm đào tạo tiêu chuẩn đặt tại các trường đại học. Tất cả đều do ngân sách nhà nước đầu tư.

Trong khi một số tỉnh, thành phố khác cũng sẽ đầu tư ngân sách riêng và quỹ đất để thu hút các công ty vi mạch bán dẫn, chuyên gia trong ngành đã tỏ ra lo lắng về tính hiệu quả của các khoản đầu tư dàn trải.

Chia sẻ với VietTimes, ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Khoa học và Công nghệ (CENSTED) thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, nhận định rằng dường như Việt Nam đang khá mơ hồ trong phát triển công nghiệp bán dẫn, chưa có những mục tiêu cụ thể, đồng thời chưa có một cơ quan chuyên trách về đường hướng phát triển công nghiệp bán dẫn, cho nên các khoản đầu tư cho ngành bán dẫn vào thời điểm này có khả năng mang lại hiệu quả thấp. Thất bại của Trung tâm ICDREC hoặc Đề án 112 là những bài học nhãn tiền về đầu tư công trong lĩnh vực công nghệ.

Trong đó, ICDREC - Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn - được thành lập vào năm 2005 thông qua nỗ lực vận động của giáo sư Việt kiều Đặng Lương Mô. Mục tiêu của ICDREC là thiết kế và sản xuất chip "Made in Vietnam". Trung tâm ra đời song hành với dự án xây dựng nhà máy đúc bán dẫn trên tiến trình 130nm/180nm trị giá 350 triệu USD do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn thực hiện tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Nhưng nhà máy này không thành hiện thực do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

IDCREC đã nhận được nguồn tiền đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 213 tỉ, trong đó nguồn vốn từ TP.HCM là 32%, Bộ Khoa học và Công nghệ là 68%. Trong thời gian hoạt động, IDCREC đã thiết kế được một số mẫu chip như SG8V1, SIGMA-K3, VN8-01, TH-7150, VN1632. Tuy nhiên các chip xử lý này là công nghệ thấp, khó tìm được khách hàng, mặc dù đã được sử dụng cho một số sản phẩm như hộp đen giám sát hành trình cho xe ô tô và xe gắn máy, điện kế, modem GSM...

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, tính đến nay, trung tâm này đã chuyển giao công nghệ cho các đối tác được 68 tỉ đồng và doanh số sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ vi mạch là 31 tỉ đồng. Tỷ lệ chuyển giao công nghệ/vốn đầu tư mới ở mức 99/213 tỉ đồng (46%) là chưa đạt yêu cầu.

Giai đoạn 2008-2015, ICDREC được TP.HCM đưa vào chương trình phát triển ngành bán dẫn với mục tiêu đến năm 2020, vi mạch đạt doanh thu tối thiểu 120 triệu USD. Ngoài thu hút ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghiệp điện tử đầu tư vào Việt Nam, chương trình kỳ vọng ươm tạo được 25 doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch, đào tạo 2.000 kỹ sư. Tuy nhiên, đến năm 2017, chương trình này lại đưa ra mục tiêu khiêm tốn hơn cho tầm nhìn đến năm 2030 là đổi từ xây dựng nhà máy sản xuất chip sang phòng thử nghiệm sản xuất.

Đến nay, trang web của ICDREC đã không còn hoạt động, trong khi Facebook của Trung tâm này đã ngừng cập nhật từ tháng 10 năm 2019.

Ví dụ thứ hai về thất bại trong đầu tư công là Đề án 112 hay còn gọi là Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, được ban hành vào tháng 7/2001. Mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2001-2005 là thực hiện tin học hóa quan hệ hành chính trong nội bộ cơ quan chính phủ với các bộ ngành, chính quyền địa phương; Tin học hóa mối quan hệ giữa chính phủ với công dân trong giải quyết các dịch vụ công; Đào tạo đội ngũ công chức chính phủ để thông qua tin học nâng cao chất lượng quản lý công.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, Đề án 112 đã thất bại với nhiều sai phạm, chi phí quá lớn nhưng mang lại hiệu quả thấp. Các mục tiêu mà đề án đặt ra đều không hoàn thành. Số tiền đã chi tiêu cho đề án là gần 1.600 tỉ đồng.

Đánh giá về thất bại của Đề án 112, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, cho rằng: “Khi chưa một tỉnh, thành phố, bộ nào thí điểm thành công việc tin học hóa quản lý hành chính mà đã triển khai đề án đồng loạt trong cả nước, tất yếu sẽ dẫn đến những bất cập, hạn chế và thất thoát, lãng phí”.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo đề án cũng chưa coi trọng công tác tư vấn, phản biện, giám sát thường xuyên. Nhiều ý kiến phản biện có giá trị của các giáo sư đầu ngành đã bị bỏ qua.

 Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước sau giai đoạn một triển khai đã phải dừng lại

Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước sau giai đoạn một triển khai đã phải dừng lại

Theo ông Nguyễn Thái Hà, mọi khoản đầu tư cho công nghiệp bán dẫn hiện nay - từ khâu đào tạo cho đến chọn lựa lĩnh vực tham gia - đều cần tính đến yếu tố đầu ra là khách hàng.

Đối với lĩnh vực đào tạo, không nên mua chương trình học của một công ty bán dẫn hoặc một quốc gia nào để áp dụng cho Việt Nam, mà phải tính đến khả năng thực hành của người học khi mà Việt Nam chưa có nhà máy chế tạo bán dẫn nào trên thực tế. Nếu không sẽ là khoản đầu tư lãng phí.

Ông Hà cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần rút kinh nghiệm từ việc đầu tư dàn trải của nhiều dự án đầu tư công, xác định rõ mục tiêu cụ thể mà Việt Nam cần hướng đến là gì để có thể đưa ra các quyết sách cũng như các khoản đầu tư đúng đắn.

(Còn tiếp)

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cac-dia-phuong-cung-thu-hut-dau-tu-hay-phat-trien-tap-trung-de-khong-lang-phi-post174483.html