Các địa phương đảm bảo an toàn cho người dân trước cơn bão số 5
Quảng Trị, Đà Nẵng đã tiến hành di dời, sơ tán người dân ở những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão đến nơi an toàn, đồng thời dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống bão số 5.
Bão số 5 được dự báo có thể đổ bộ vào đất liền vào khoảng 9 giờ 18/9/2020 ở khu vực Trung Trung Bộ (phạm vi từ tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam) với cấp 10-11, mạnh nhất có thể đạt cấp 12, giật cấp 14.
12 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 5 từ Thanh Hòa đến Khánh Hòa; trong đó có 5 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trọng điểm của bão là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Quảng Trị đảm bảo an toàn cho người dân
Chiều 17/9, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các thành viên trong Đoàn công tác đã đến kiểm tra tàu thuyền vào Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Đây là một trong những khu neo đậu tránh trú bão có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị với công suất khoảng 500 tàu, thuyền.
Trong hai ngày 16-17/9, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã huy động lực lượng thông tin, tuyên truyền về cơn bão số 5 để ngư dân chủ động đưa tàu thuyền vào Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt, bảo đảm an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Quảng Trị để sẵn sàng ứng phó với bão số 5; nhấn mạnh trước hết là phải đảm bảo an toàn cho người dân.
Do đó, địa phương phải tập trung rà soát tàu thuyền còn ở trên biển, sắp xếp tàu thuyền an toàn tại các khu neo đậu, đưa người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào trong đất liền, không để người dân ở lại trên tàu thuyền.
Tỉnh chú ý công tác hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, kiên quyết và khẩn trương di dời những hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn cho các công trình đang xây dựng, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học.
Đối với các công trình hồ đập, phải vừa đảm bảo an toàn khi có mưa lũ vừa tích nước để phục vụ sản xuất; kịp thời tiêu úng cho vùng thấp trũng để bảo vệ mùa vụ sản xuất; chuẩn bị tốt lực lượng tại chỗ để kịp thời ứng phó khi bão vào.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý, tỉnh cần thực hiện nghiêm việc ứng phó với bão số 5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Để ứng phó với bão số 5, tỉnh Quảng Trị tổ chức di dời sơ tán dân ở 5 vùng gồm vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; vùng ngập nước sâu trên lưu vực các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải; vùng lũ quét ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông; vùng sụt lún, sạt lở đất ở các huyện Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa; vùng ngập cục bộ ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông.
Tổng số dân phải di dời sơ tán tránh bão số 5, từ nhà tạm đến nhà kiên cố là trên 94.000 người ở 125 xã, phường, thị trấn. Việc sơ tán dân tránh bão số 5 được tỉnh hoàn thành trước 20 giờ ngày 17/9.
Các địa phương đang tích cực vận động người dân thu hoạch nhanh gọn lúa Hè Thu và hoa màu, không để thiệt hại do mưa bão gây ra.
Tỉnh đã dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống bão số 5.
Kể từ 8 giờ ngày 17/9, tỉnh Quảng Trị cấm tàu thuyền ra khơi. Học sinh nghỉ học từ ngày 18/9 nhằm đảm bảo an toàn.
Đà Nẵng sơ tán hơn 72.000 người dân
Chiều 17/9, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã điều hành cuộc họp của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện thành phố Đà Nẵng, bàn kế hoạch ứng phố với cơn bão số 5.
Theo đó, để chủ động ứng phó với bão, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện toàn thành phố đang khẩn trương sơ tán tổng cộng 72.136 người, trong đó có 62.570 người dân và 9.566 sinh viên, công nhân thuê trọ.
Công việc sơ tán này phải hoàn thành trước 20 giờ ngày 17/9, khi gió còn chưa mạnh.
Đồng thời, các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo gia cố, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, hệ thống điện, thông tin liên lạc; các trường học, bệnh viện, các công trình đang thi công; bảng hiệu, biển quảng cáo; cắt tỉa, chằng chống cây trong đô thị... hoàn thành trước 18 giờ ngày 17/9.
Các công trình đang thi công bằng tháp và cẩu phải hạ toàn bộ tháp và cẩu, hoàn thành trước 18 giờ ngày 17/9.
Các quận ven biển yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định; khẩn trương tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ; đề nghị các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thành phố hỗ trợ, giúp người dân kéo tàu công suất nhỏ lên bờ tránh bão, hoàn thành trước 18 giờ ngày 17/9.
Các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tổng hợp công tác ứng phó và tình hình thiệt hại do mưa bão gây ra, báo cáo kịp thời trước 8 giờ và 15 giờ hàng ngày để tổng hợp.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, việc di dời, sơ tán người dân cần được ưu tiên hàng đầu, khẩn trương triển khai theo đúng kế hoạch. Trong đó, cần ưu tiên di dời những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ có nhà cửa không đảm bảo, người già, trẻ em và phụ nữ có thai...
Những tàu thuyền chưa neo đậu theo đúng hướng dẫn an toàn của lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm, phạt hành chính nếu không chấp hành.
Tính đến trưa 17/9, Đà Nẵng có 1.226 tàu/7.336 lao động đã vào bờ neo đậu an toàn, còn 16 tàu/94 lao động đang hoạt động trên biển. Số tàu hàng đang neo đậu tại Đà Nẵng là 30 tàu.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, hoàn lưu của cơn bão số 5 có khả năng đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Trị đến thành phố Đà Nẵng.
Đối với bão, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, vùng biển Đà Nẵng cấp 4; còn đối với lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng thì cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Ngành nông nghiệp Nghệ An phối hợp giúp dân giảm thiểu thiệt hại
Do ảnh hưởng của bão số 5, dự báo trên địa bàn tỉnh Nghệ An những ngày tới có thể có mưa vừa đến mưa to, sóng lớn trên biển, kéo theo nhiều nguy cơ bất lợi, nhất là có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá ở các huyện miền núi, vùng ven biển.
Lường trước những nguy cơ trên, tỉnh Nghệ An đang gấp rút triển khai công tác phòng, chống bão số 5, trọng tâm là yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, giao thông và các gia đình ngư dân rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi trú ẩn an toàn.
Tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ, rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải và chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến chính.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai việc bảo vệ an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển xung yếu.
Tại Nghệ An, tính đến chiều 17/9, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã được thông báo về hướng đi, vị trí di chuyển của bão số 5.
Toàn tỉnh có 1.061 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ các loại, trong đó có 17 hồ đang đầy nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 19 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong đó có 8 hồ đang vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả, các hồ còn lại đang vận hành theo quy trình đơn hồ, tất cả đều được phê duyệt phương án phòng, chống thiên tai và an toàn hồ đập.
Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, Nghệ An đang có hơn 5.296ha lúa hè thu chưa thu hoạch và 74.739ha lúa hè thu, lúa mùa đã trổ bông; gần 5.000ha ngô, 3.500ha rau màu các loại, 17.834ha nuôi trồng thủy sản, 1.831 lồng nuôi thủy sản trên sông và trên hồ đập…
Đây là những khu vực dễ bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 5.
Nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, ngay trong chiều 17/9, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương triển khai việc hỗ trợ, giúp dân giảm thiểu các thiệt hại, khuyến cáo nông dân có thể nhanh chóng thu hoạch những diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch, những ao nuôi thủy sản có nguy cơ cao bị ảnh hưởng…/.