Các địa phương khẩn trương xử lý rác thải, bảo vệ môi trường sau lũ

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Ông Nguyễn Hữu Tuệ, thôn Mai Hạ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) cho biết: “Nhà tôi ở khu vực ngoài đê, bị ngập sâu nên phải chuyển lên tầng 2 ở. Không gian sinh hoạt chật hẹp nên chúng tôi luôn chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ. Rác sinh hoạt được thu gom để gọn một chỗ, khi nước rút đưa ra khu xử lý của thôn”. Đến chiều 13/9, nước lũ tại nơi ông Tuệ sinh sống chỉ còn cao đến lưng bắp chân. Để bùn đất không đọng lại, ông và các thành viên trong gia đình tích cực khoắng nước để bùn đất trôi theo nước ra sông.

 Người dân ở khu vực bị ngập thuộc thôn Trằm, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) đưa rác ra tập kết tại nơi khô ráo, tạo thuận lợi cho việc thu gom, xử lý.

Người dân ở khu vực bị ngập thuộc thôn Trằm, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) đưa rác ra tập kết tại nơi khô ráo, tạo thuận lợi cho việc thu gom, xử lý.

Tại xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang), những ngày mưa bão vừa qua, nước sông Thương lên cao, nhiều hộ ở thôn Trằm bị ngập sâu nhưng không xả rác bừa bãi. Chị Nguyễn Thị Hiệp và nhiều người dân trong khu ngập lụt vẫn lội nước xách rác thải ra tập kết ở điểm khô ráo để nhân viên vệ sinh môi trường thu gom đưa về lò đốt của xã.

Trên địa bàn huyện Yên Dũng có một số điểm ở các xã, thị trấn bị ngập do ảnh hưởng của bão số 3. Trong đó xã Trí Yên ngập sâu nhất, cả 7 thôn đều bị chia cắt. Ở một số địa bàn khác như xã Đồng Việt, Lãng Sơn, thị trấn Nham Biền cũng có một số điểm dân cư bị ngập. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, để bảo vệ môi trường tại các nơi bị ngập lụt, huyện đã chỉ đạo các Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Y tế huyện và UBND các xã, thị trấn liên quan chủ động chuẩn bị sẵn máy móc, phương tiện, dụng cụ, thuốc, chế phẩm khử khuẩn cấp cho các thôn, xóm, bảo đảm nước rút đến đâu dọn dẹp, vệ sinh môi trường luôn đến đó, không để ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 Người dân xã Lãng Sơn (Yên Dũng) dọn rác thải ở khu vực bị ngập nước

Người dân xã Lãng Sơn (Yên Dũng) dọn rác thải ở khu vực bị ngập nước

Ông Nguyễn Văn Điển, Chủ tịch UBND xã Trí Yên cho biết, xã có 7 thôn đều bị ngập lụt, chia cắt, trong đó có khoảng 400 hộ bị ngập nặng. Đến trưa 14/9, mực nước đang rút dần. Chính quyền địa phương đã thống kê cụ thể diện tích bị ảnh hưởng, đề xuất cơ quan chuyên môn hỗ trợ thuốc, chế phẩm khử trùng môi trường, xử lý nguồn nước, rác thải… Cùng đó, xã giao cho các thôn phối hợp với chi hội phụ nữ hướng dẫn người dân dọn rác thải, bùn đất khi nước rút. Hiện ngoài số thuốc, chế phẩm, công cụ do huyện hỗ trợ, xã còn tiếp nhận thêm các loại thuốc, chế phẩm khử khuẩn phục vụ công tác vệ sinh môi trường sau lũ từ nguồn ủng hộ xã hội hóa.

 Rác trôi nổi tại khu vực bị ngập nước tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang).

Rác trôi nổi tại khu vực bị ngập nước tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang).

Tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Giang, nước rút đến đâu, công tác khử khuẩn, xử lý nguồn nước, dọn dẹp vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, cây cối, xác động vật chết trôi dạt được quan tâm triển khai khẩn trương. Ở một số nơi hiện còn có khu dân cư ngập nước như Hiệp Hòa, Lục Nam, thị xã Việt Yên cũng chủ động có văn bản, phương án hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện việc phục hồi môi trường, chỉ chờ nước rút là bắt tay thực hiện.

Ông Hoàng Đình Giang, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Lục Nam thông tin: Cuối tháng 8, Phòng đã tham mưu huyện trích kinh phí sự nghiệp môi trường mua cho mỗi xã, thị trấn 3 thùng chế phẩm xử lý rác và các công cụ thu gom xử lý cấp phát cho 100% xã, thị trấn. Đối với những địa bàn bị ngập lụt, ảnh hưởng nặng, Phòng đề nghị tiếp tục rà soát, thống kê nhu cầu chế phẩm và các công cụ hỗ trợ, nếu còn thiếu đề xuất huyện hỗ trợ trang bị đủ.

Trên địa bàn TP Bắc Giang, mưa bão làm nhiều cây xanh bị đổ, gãy. Hiện các đơn vị chuyên môn đang tích cực phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do lượng cây bị đổ, gãy lớn, một số tuyến phố hiện vẫn còn ngổn ngang cành cây và lá rụng. Ở khu vực bị úng ngập thuộc tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú, đến cuối chiều 13/9, nước vẫn chưa rút hết, lượng rác trôi dạt tụ về đây khá nhiều, sẽ phải dành nhiều công sức dọn dẹp, vệ sinh khi nước rút…

Sau mưa bão, dọn dẹp vệ sinh môi trường là một trong những phần việc cần làm ngay và có vai trò rất quan trọng, giúp ngăn ngừa ô nhiễm, bệnh tật phát sinh, bảo đảm sức khỏe của người dân, cảnh quan môi trường các khu dân cư. Vì thế, cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn môi trường chung, nhất là ở những nơi bị ảnh hưởng nặng của bão lũ, góp phần sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Để sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của bão lũ, trước đó, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, TP theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm tại các khu vực có mưa lũ, ngập lụt, chủ động phương án khắc phục kịp thời, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng mưa lũ xả chất thải ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuấn Dương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cac-dia-phuong-khan-truong-xu-ly-rac-thai-bao-ve-moi-truong-sau-lu-115206.bbg