Các địa phương khơi thông nguồn lực, khắc phục điểm nghẽn

Ngày 4/12, HĐND tỉnh Quảng Nam và Tây Ninh tổ chức họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, xem xét, thảo luận thông qua nghị quyết, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Quảng Nam: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng 9,5 - 10%

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Ngày 4/12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 28 để xem xét, thông qua nhiều nội dung, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Quảng Nam đang bước vào giai đoạn tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, song nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thời gian qua chưa đạt kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công chậm; công tác quản lý khoáng sản còn hạn chế; công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, các cấp, ngành của tỉnh cần tập trung, quyết liệt, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với những nội dung thiết thực, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, có lộ trình phấn đấu thực hiện để tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Các đơn vị bám sát quyết tâm và chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy để hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng...

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng nêu rõ, năm 2025, UBND tỉnh đề ra 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và 9 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh nhóm giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược có hiệu quả hơn, hình thành những sản phẩm tạo động lực và nguồn lực mới cho phát triển. Cùng với đó, tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; đảm bảo các nguồn thu đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, địa phương chú trọng công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo công tác an sinh, xã hội…

Trong năm 2025, Quảng Nam đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: GRDP tăng 9,5 - 10%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 24.200 tỷ đồng; phấn đấu giảm 3.000 hộ nghèo. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,3%...

Năm 2024, kinh tế địa phương phục hồi tích cực so với năm 2023; quy mô nền kinh tế ước đạt 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Ước thu ngân sách Nhà nước là 26 nghìn tỷ đồng, đạt 110,2% dự toán. Địa phương đã cấp mới 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 4.915 tỷ đồng; cấp mới 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 134,85 triệu USD...

Tây Ninh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngay từ quý I/2025

Chủ tọa điều hành Kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh lần thứ 16. Ảnh: Minh Phú/TTXVN

Chủ tọa điều hành Kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh lần thứ 16. Ảnh: Minh Phú/TTXVN

Ngày 4/12, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 16 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024; thảo luận thông qua nghị quyết, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thách thức…

Để Tây Ninh tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh tập trung nắm chắc, kịp thời thể chế hóa, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cấp ủy, chính quyền tỉnh tổ chức triển khai sâu sắc nội dung của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quán triệt tại Hội nghị tổng kết quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu. Ảnh: Minh Phú/TTXVN

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu. Ảnh: Minh Phú/TTXVN

Tỉnh tập trung thực hiện tốt 18 luật, 21 nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XV xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Đây là những luật, nghị quyết quan trọng, cấp bách được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Do đó, từ nay đến hết năm 2024, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt để đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024. Đồng thời, triển khai kịp thời nhiệm vụ năm 2025 ngay từ những ngày đầu năm, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; huy động các nguồn lực, động lực để tập trung huy động, thúc đẩy kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngay từ quý I/ 2025.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và chủ đề công tác năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm yêu cầu, các đại biểu HĐND, các sở, ban, ngành tập trung nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội, tiến hành thảo luận, đánh giá khách quan, sát, đúng những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, nhận diện xu hướng, bối cảnh, điều kiện thời gian tới. Qua đó đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025, tạo đà phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ.

Năm 2024, tình hình kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá cao, GRDP tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cao hơn mức bình quân chung cả nước); GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 4.250 USD. Du lịch tiếp tục là điểm sáng, lượng khách tham quan điểm du lịch ước đạt 6 triệu lượt, tăng 9,7% (tăng 2% so kế hoạch); doanh thu du lịch tăng 24,4% so cùng kỳ năm 2023 (tăng 8,7% so kế hoạch)...

Trần Tĩnh - Minh Phú (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cac-dia-phuong-khoi-thong-nguon-luc-khac-phuc-diem-nghen-20241204160619562.htm