Các địa phương phải chủ động ứng phó với bão số 7 và hoàn lưu sau bão

Chiều 9-10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo ứng phó với bão số 7. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 7 có khả năng sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng cho khu vực các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Từ chiều tối 12 đến ngày 13-10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện thêm một cơm bão mới - cơn bão số 8. Tại Thanh Hóa, từ chiều 9 đến ngày 12-10 sẽ xảy ra đợt mưa rất to và dông với tổng lượng mưa từ 100-250 mm, khu vực đồng bằng, ven biển và vùng núi có nơi trên 300mm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết: Đến 10 giờ ngày 9-10, Thanh Hóa có 6.673 phương tiện với trên 24.700 lao động đã vào khu neo đậu tại bến. Đến nay, tất cả các phương tiện đều nắm được thông tin về bão và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương. Thanh Hóa cũng đã chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lũ.

Đồng chí đề nghị Trung ương hỗ trợ địa phương các trang thiết bị, nguồn lực, tu bổ các công trình hồ đập, đê điều để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra; nâng cao chất lượng công tác dự báo để các địa phương có phương án ứng phó sát hơn.

Các địa phương tham gia hội nghị trực tuyến.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Hướng đi, cường độ của bão số 7 sẽ còn thay đổi nên các địa phương, đơn vị cần theo dõi sát diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời, chi tiết, sát với tình hình thực tế. Đặc biệt, trong vòng 10 ngày tới, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, dự báo sẽ có mưa lớn và cực lớn. Các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn di chuyển không để tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu; tạo điều kiện cho các tàu thuyền vào trú tránh có phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19. Theo dõi chặt chẽ lưu lượng đến các hồ chứa, nhất là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Cùng với đó, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng, vị trí gây tắc nghẽn dòng chảy; sẵn sàng di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê điều và hồ chứa. Tạm dừng các công trường đang thi công, nhất là vùng ven biển, trên cao, ven sông suối trong thời gian ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/cac-dia-phuong-phai-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-7-va-hoan-luu-sau-bao/145676.htm