Các địa phương phải xây dựng nhiều phương án ứng phó dịch Covid-19

Chiều 11-5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về chủ động ứng phó và xử lý dịch Covid-19 trong tình huống khẩn cấp với 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.

Sẵn sàng những kịch bản xấu

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 11-5, nước ta ghi nhận tổng số 3.537 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.098 ca do lây nhiễm trong nước. Riêng từ ngày 27-4 đến nay, có 528 ca tại cộng đồng tại 26 tỉnh, thành phố.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, chỉ trong 15 ngày, tốc độ lây lan của dịch tại nước ta rất nhanh. Đặc biệt, xuất hiện các ca bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều... và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố.

Trước tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng, trong đó chủng vi rút biến thể "siêu lây nhiễm" của Anh, Ấn Độ càng làm nguy cơ lây lan dịch cao hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng: "Trước tình thế đó, chúng ta đã chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tiến công. Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những kịch bản xấu nhất để điều xấu nhất không đến với chúng ta".

Với việc xây dựng kịch bản 30.000 ca nhiễm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, ngành Y tế cần chuẩn bị mọi cấp độ sẵn sàng ứng phó, đặc biệt ở các cơ sở khám, chữa bệnh.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng, có thể còn có ca dương tính trong cộng đồng mà hiện chưa phát hiện ra. Do đó, vấn đề đặt ra là cần siết chặt công tác phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện.

"Bệnh viện là nơi có khả năng lây nhiễm cao, nhất là các bệnh viện tuyến cuối. Vì vậy, việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân đến khám là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, có khoảng 80% ca Covid-19 không có triệu chứng nên khả năng lọt các trường hợp nghi nhiễm rất dễ xảy ra. Các cơ sở y tế cần chú ý tới vấn đề giãn cách trong bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo. Tại khu cấp cứu cần bố trí vùng đệm, cách ly tạm thời để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Thế nhưng, qua kiểm tra vùng đệm trong khu cấp cứu, nhiều bệnh viện chưa làm tốt", ông Nguyễn Trọng Khoa lưu ý.

Bệnh viện phải chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ

Để ứng phó với hiệu quả với diễn biến của dịch bệnh, Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các địa phương cần tập huấn, xây dựng và tổ chức phương án xét nghiệm, ca bệnh nào xét nghiệm gộp mẫu, trường hợp nào xét nghiệm test nhanh... Riêng tại các bệnh viện cần thực hiện nghiêm công tác sàng lọc, phân loại bệnh nhân, giãn cách...

Hội nghị được kết nối với các điểm cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý, sở y tế các địa phương cần xây dựng nhiều phương án ứng phó như trong trường hợp không có dịch, có ca lẻ tẻ, hoặc dịch lan rộng. Về việc chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến, các sở y tế nên chủ động đề xuất với địa phương, sẵn sàng nhân lực trang thiết bị, thuốc theo tinh thần "4 tại chỗ".

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đề nghị, ngoài việc chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác kiểm soát lây nhiễm, ngành Y tế các địa phương cần chọn 1 cơ sở khám, chữa bệnh tập trung điều trị Covid-19 nếu chẳng may dịch bùng phát... Điều này sẽ giúp các địa phương vừa tiết kiệm nhân lực và các nguồn lực khác để ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bệnh viện, đặc biệt những bệnh viện có nguy cơ cao như: Bệnh viện phổi, sản, nhi... Địa phương cần kiên quyết tạm dừng hoạt động các bệnh viện không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý, các cơ sở y tế phải chủ động thực hiện nghiêm xét nghiệm định kỳ đối với những bệnh nhân, người nhà thường xuyên ra, vào bệnh viện, trong đó cần quan tâm vấn đề sàng lọc. Đặc biệt, chỉ chuyển tuyến với bệnh nhân có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Kinh nghiệm tại Bệnh viện K cho thấy, chính nhờ xét nghiệm định kỳ mà bệnh viện đã phát hiện ra một số ca Covid-19, giúp giảm thiểu nguy cơ dịch lây lan trong bệnh viện.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/999026/cac-dia-phuong-phai-xay-dung-nhieu-phuong-an-ung-pho-dich-covd-19