Các địa phương quan tâm phát huy giá trị đình làng trên địa bàn
ĐTO - Sau khi Đề án Phát huy giá trị đình làng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được ban hành, các ngành, địa phương, đơn vị tích cực triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo từng năm và giai đoạn. Điển hình như năm 2021, các ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thuộc lĩnh vực ngành, địa phương phụ trách; chọn 1 đình làng tiêu biểu nhất trong tỉnh làm mẫu để thực hiện Đề án; thực hiện hoàn chỉnh lược sử ngôi đình được chọn làm mẫu, mở lớp tập huấn nghiệp vụ về tổ chức sinh hoạt đình làng trên địa bàn tỉnh dành cho cán bộ văn hóa cơ sở; năm 2022 các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo và nâng cấp các hạng mục đình làng...
Năm 2021, huyện Cao Lãnh quan tâm phát huy các thiết chế văn hóa cơ sở, tiêu biểu là Đình Bình Hàng Trung (xã Bình Hàng Trung) và Đình Mỹ Hội (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Như vậy, huyện Cao Lãnh có 15 đình thần, trong đó có 4 đình thần được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Đình Bình Hàng Trung là một trong những ngôi đình tiêu biểu về kiến trúc đình làng Nam bộ của tỉnh Đồng Tháp nói chung, huyện Cao Lãnh nói riêng. Đình Bình Hàng Trung vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân, làm chỗ dựa tinh thần cho dân làng bao đời nay. Đình Bình Hàng Trung còn lưu giữ 6 lá sắc phong dưới thời vua Tự Đức và Thiệu Trị; Đình là nơi thờ tự và an táng Nguyễn Văn Biểu - một nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp xâm lược; là địa chỉ đỏ - Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ xã Bình Hàng Trung, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đình Mỹ Hội được hình thành đã đáp ứng được phần nào nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của cư dân địa phương trong suốt quá trình khai hoang mở đất và phát triển cho đến ngày nay. Đây chính là điểm sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của người dân. Có thể nói, sinh hoạt ở Đình Mỹ Hội mang yếu tố tín ngưỡng dân gian, góp phần tô đậm giá trị truyền thống tích cực, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Hiện nay, đình còn lưu giữ 6 lá sắc, 3 lá sắc phong cho Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, 3 lá sắc phong cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị tôn thần, do vua Thiệu Trị và vua Tự Đức cấp. Di tích lịch sử - văn hóa không chỉ là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật mà còn là nơi để tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, niềm tự hào của dân tộc, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các tiền nhân có công trong việc mở cõi, khai hoang lập ấp, lập làng. Đình Bình Hàng Trung và Đình Mỹ Hội có khả năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư với vai trò như là một thiết chế văn hóa, góp phần vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Theo Đề án Phát huy giá trị đình làng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đình làng là một cơ sở tín ngưỡng được hình thành từ rất sớm, đóng vai trò thiết yếu trong đời sống văn hóa của người Việt xưa và nay, là biểu tượng của văn hóa làng xã Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng; nơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng gắn với đời sống xã hội như một dạng thiết chế văn hóa đa chức năng ở làng xã, là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần của cư dân nông nghiệp. Đình làng với 3 chức năng chính: tín ngưỡng dân gian, hành chính và sinh hoạt văn hóa, đình làng hội tụ nhiều nét kiến trúc - nghệ thuật thuộc văn hóa vật thể; nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng, văn hóa phi vật thể như: nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa dân gian, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống về đất và người của một địa phương; nguồn cảm hứng để người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa mới, trong đó bao gồm các giá trị văn hóa đặc sắc đã ăn sâu vào đời sống cộng đồng.
Tuy nhiên, ngày nay văn hóa Nam bộ nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng có nhiều thay đổi: sự xuất hiện và phát triển của nhiều hình thái sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật mới; sự phát triển của truyền thông đa phương tiện; nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống trong cộng đồng có chiều hướng giảm; quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng; các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, địa phương dần bị mai một... ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của đình làng đối với cộng đồng xã hội. Cùng với cả nước, tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa là một trong những tiêu chí rất quan trọng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, sinh hoạt cộng đồng của người dân. Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương có thể tận dụng đình làng để thực hiện chức năng của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã vẫn tính đạt tiêu chí này.