Các địa phương rục rịch đón khách, phục hồi du lịch nội địa
Sau khi Hiệp hội Du lịch phát động chương trình khôi phục du lịch toàn quốc, các địa phương đã lên kế hoạch chuẩn bị phát triển du lịch cho trạng thái bình thường mới, đặc biệt là mảng du lịch nội địa. Hoạt động đón khách được gắn với các biện pháp phòng chống dịch như tiêm phòng vaccine, xét nghiệm âm tính…
Các tỉnh khỏi động lại du lịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4, các khu, điểm du lịch tại tỉnh Ninh Bình phải đóng cửa để phòng chống dịch. Nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình đến du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm qua các nền tảng số bằng hình thức livestream trên các trang mạng xã hội, qua đó thu hút hàng nghìn lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ. Qua chương trình này, du khách được trải nghiệm, thưởng ngoạn những hình ảnh tại các khu, điểm du lịch của tỉnh Ninh Bình và được cung cấp các thông tin hữu ích do các hướng dẫn viên du lịch địa phương giới thiệu.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng. Lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn giảm đáng kể. Trong 8 tháng của năm 2021, tỉnh đón 925,7 nghìn lượt khách, giảm 50,4% so với cùng kỳ; trong đó, khách trong nước đạt 912,3 nghìn lượt, giảm 46%; khách quốc tế đạt 13,4 nghìn lượt, giảm 92,3%. Doanh thu du lịch trong 8 tháng đạt trên 588,6 tỷ đồng, giảm 44,7%.
Để khởi động lại du lịch trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình và các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch đang từng ngày thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Trước mắt, thông qua các tour du lịch trực tuyến, Ninh Bình cung cấp cho du khách thêm nhiều thông tin bổ ích về các khu, điểm du lịch của tỉnh, để trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, Ninh Bình sẽ là sự lựa chọn của du khách. “Tỉnh cũng lên kế hoạch thu hút khách nội địa từ tháng 10 và đặt tiêu chí an toàn, phòng dịch lên hàng đầu”, ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.
Tỉnh Yên Bái cũng đang xây dựng kế hoạch đón khách dựa trên kết hợp giá trị thiên nhiên kỳ vĩ cùng văn hóa truyền thống đa sắc, mang đậm bản sắc dân tộc đang trở thành xu hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững, hiệu quả, góp phần đưa nơi đây trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Tây Bắc.
Kỳ vọng vào sự phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Yên Bái sẽ là "xanh, bản sắc, hấp dẫn, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường".
Bên cạnh đó, Yên Bái tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo, thông minh; nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, theo kế hoạch, giữa tháng 10 sẽ mở hoạt động du lịch nội tỉnh, tập trung khôi phục du lịch ở những vùng đã kiểm soát được dịch, khuyến khích các doanh nghiệp mở các tour, tuyến ở “vùng xanh” thu hút người dân trong địa phương đi nghỉ dưỡng. Sau khi hoạt động du lịch nội tỉnh đi vào hoạt động ổn định, Khánh Hòa sẽ tiếp tục nới lỏng để thu hút các khách du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 ở các tỉnh lân cận có đường quốc lộ nối với Khánh Hòa như Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận… Đồng thời, tỉnh chuẩn bị các bước để đề xuất triển khai đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”.
Tỉnh Quảng Nam cũng đang lên kế hoạch đón khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch COVID-19 và du khách tiêm đủ liều vaccine đến tham quan phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, đảm bảo an toàn trong điều kiện tình hình mới. Tỉnh cũng đang có kế hoạch đề xuất Bộ VHTTDL, Chính phủ cho phép đón khách quốc tế sau khi Phú Quốc thí điểm.
"Nhanh chân" hơn một chút, theo ghi nhận của phóng viên, từ trung tuần tháng 9, một số tỉnh đã triển khai hoạt động đón khách nội địa.
Từ ngày 13/9, tỉnh Vĩnh Phúc mở cửa trở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch, thắng cảnh, các sân golf, các cơ sở tập luyện thể dục thể thao dành cho khách nội tỉnh, nhưng không vượt quá 50% công suất.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 15/9, khách nội địa được đến 4 cơ sở du lịch ở các huyện “vùng xanh” là Côn Đảo, Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ với tour khép kín. Chương trình sẽ được tỉnh triển khai thí điểm đến ngày 30/10/2021, đánh giá kết quả và lên phương án cho giai đoạn tiếp theo.
Bắt đầu từ ngày 19/9, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) chính thức thí điểm khôi phục hoạt động du lịch với một tour du lịch khép kín, tham quan một số địa điểm như: Chiến khu rừng Sác, Khu du lịch Dần Xây, Khu du lịch Vàm Sát và Khu du lịch Hòn ngọc Phương Nam. Hoạt động du lịch sẽ được thí điểm đến cuối tháng 9/2021, sau đó huyện sẽ có đánh giá, nếu thuận lợi sẽ nới lỏng hơn nữa, cho phép thêm các đơn vị du lịch được tham gia tổ chức hoạt động. Ngoài ra các hoạt động kinh tế khác như dịch vụ vui chơi, ăn uống… cũng được huyện tính toán để có lộ trình mở cửa từng bước.
Các thành phố Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả của Quảng Ninh từ ngày 20-21/9 cũng đã lần lượt mở lại một số hoạt động dịch vụ, du lịch cho khách nội tỉnh. Dự kiến trong tháng 11 và 12 tới, Quảng Ninh sẽ kết hợp kích cầu du lịch nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh.
Các kế hoạch phục hồi du lịch từ các địa phương sẽ là những bước đi ban đầu để khôi phục lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.
Tìm cách làm mới và bảo đảm an toàn
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của du lịch Việt Nam, với các chỉ số tăng trưởng sụt giảm lớn so với cùng kỳ. Số khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 31,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136 tỷ đồng, giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020. Công suất phòng trung bình cả nước 9 tháng đầu năm 2021 đạt dưới 10%.
Để phục hồi du lịch trong bối cảnh mới, ngay từ đầu tháng 9/2021, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương tham mưu Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
“Sau một thời gian dài bị đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Đã từng có những ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ tốt nhất đối với doanh nghiệp du lịch là được hoạt động trở lại, đặc biệt trong bối cảnh sức chống chịu của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt”, ông Phạm Văn Thủy cho biết.
Với phương châm “khởi động lại hoạt động du lịch - chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Tổng cục Du lịch đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nhằm tái khởi động ngành du lịch. Tổng cục tổ chức làm việc với các địa phương, đặc biệt là các địa bàn du lịch trọng điểm, sử dụng sức mạnh tổng hợp của toàn ngành để tìm ra giải pháp chung phục hồi du lịch, đặc biệt tìm ra và định hướng sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với mỗi địa bàn trọng điểm.
“Yêu cầu đặt ra với khôi phục hoạt động du lịch là bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành’, ông Phạm Văn Thủy cho biết.
Giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế đều đã được đặt ra trong Kế hoạch của Bộ, theo đó sẽ triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”. Đồng thời, thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Trong điều kiện bình thường mới, yếu tố an toàn trong du lịch luôn là mục tiêu hàng đầu. Kế hoạch 3228 của Bộ VHTTDL đặt ra nhiệm vụ tiên quyết là đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Trong đó, có 3 yếu tố quan trọng là tiêm phủ vaccine cho người dân và người lao động du lịch; bảo đảm an toàn cho các điểm đến, cơ sở du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với du khách nội địa và quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine.
Hỗ trợ cho mục tiêu này, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ được coi là giải pháp đột phá đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch. Trong đó, cốt lõi là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” phục vụ khách du lịch, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 (https://safe.tourism.com.vn/) đối với cơ sở dịch vụ du lịch và hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine (https://travelpass.tourism.vn/).
Một giải pháp quan trọng khác là phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng sự thay đổi nhu cầu thị trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe... Bộ VHTTDL cũng khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau.
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Cùng với đó sẽ tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Tại kế hoạch này, Bộ VHTTDL giao Tổng cục Du lịch hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch; phối hợp tổ chức truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
Các sở quản lý du lịch có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trong việc triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch trên địa bàn. Bộ cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch phối hợp đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh, đào tạo và đào tạo lại lao động; thực hiện tốt các quy định về du lịch an toàn; liên kết, triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ nhằm kích cầu du lịch.
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Chúng tôi xác định khôi phục du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về quan điểm an toàn của khách, quan điểm về an toàn của địa phương khác nhau, thể hiện bằng chính sách của các địa phương khác nhau. Vấn đề vận chuyển cũng vô cùng khó khăn. Hiện nay, hàng không chưa có những chuyến bay nội địa bình thường. Nhưng khi khởi động chương trình này, chúng tôi biết hàng không đã trình các phương án để mở lại đường bay nội địa. Thậm chí các doanh nghiệp du lịch đã bàn với nhau là sẽ dùng các chuyến bay riêng để bay từ tỉnh nọ đến tỉnh kia.
“Nhưng theo tôi thì trước tiên hãy phát động du lịch nội địa bằng các phương tiện đường bộ, đi bằng xe riêng của mỗi người. Gần đây, chúng tôi phát triển loại hình du lịch canavan bằng xe tự lái. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho mọi người. Kể cả các điểm đến cũng cảm thấy an toàn hơn, vì họ không thấy những đoàn đến ào ạt rất đông mà đến bằng những chiếc xe nhỏ. Tóm lại, tùy các điều kiện mà chúng ta có những giải pháp để khắc phục. Bình thường thì đi đoàn đông, khi khó khăn thì đi xe nhỏ. Ngay trong lễ phát động khôi phục du lịch ngày 28/9 ,đã có 25 hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố đã tham dự, cam kết triển khai. Đây là những tín hiệu để có thể tổ chức các tour du lịch khởi động lại du lịch sau kỳ nghì hè dài, bắt đầu là những tour vào tháng 10. Tuy nhiên, do yêu cầu về phòng dịch nên thí điểm ban đầu chỉ lựa chọn một số đơn vị đủ kinh nghiệm và tiềm lực để triển khai”, ông Vũ Thế Bình cho biết.