Các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó với bão Yagi
Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đang khẩn trương chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, các lực lượng chức năng đang tích cực cắt, tỉa cây xanh, hạn chế nguy cơ gãy, đổ trong thời gian bão số 3 đổ bộ vào thành phố. Hệ thống kênh, mương, cũng như các sông khu vực ngoại thành được yêu cầu nạo vét, lưu thông dòng chảy, giúp tiêu úng kịp thời.
Do có nhiều sông trên địa bàn, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch ứng trực tại các sông chính như Nhuệ, Đáy, Đuống... kịp thời báo cáo thành phố nếu có sự cố. Theo dự báo, từ đêm 6/9, Hà Nội có thể có mưa dông, gió mạnh trên diện rộng. Nguy cơ ngập lụt, bao gồm cả nội, ngoại thành là không nhỏ.
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, dù là tỉnh miền núi, ít khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão, nhưng địa phương sẽ không vì thế mà lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Trước mắt, Hà Giang sẽ tập trung quản lý chặt các hồ thủy lợi, chủ động giám sát để kịp thời báo cáo tình hình thực tế, nhằm tận dụng thời điểm xả đáy, kịp thời ứng phó với hoàn lưu bão số 3.
Vừa qua, một số địa phương thuộc vùng miền núi trung du đã bị sạt lở, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, song song với kế hoạch chuẩn bị, Hà Giang sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân nâng cao cảnh giác, bảo đảm an toàn cho người, tài sản và vật nuôi, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, tỉnh Thái Bình có gần 1.000 tàu, thuyền với gần 3.000 lao động làm ăn trên biển... Tỉnh đã chủ động kêu gọi tàu, thuyền, người dân làm ăn trên biển vào nơi tránh trú an toàn và tiến hành cấm biển từ sáng 6/9. Tỉnh cũng đã lên phương án chủ động tiêu úng cho hơn 74.000 ha lúa mùa, trong đó 35% diện tích lúa đã trổ bông; có phương án bảo vệ hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và những trọng điểm đê, kè xung yếu. Các công việc hoàn thành trước 6h tối 6/9.
Còn tại Nghệ An, lực lượng biên phòng và các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Tại các bến cảng, lực lượng chức năng chủ động hướng dẫn bà con neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, trong ngày 4/9, tỉnh đã có đoàn đi kiểm tra thực địa tại các trọng điểm xung yếu trên tuyến đê biển tại các huyện Giao Thủy và Hải Hậu. Để ứng phó với bão số 3, địa phương chủ động tăng cường công tác trực ban, tuần tra, canh gác đê điều theo quy định; phát hiện, báo cáo tình hình, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống. Chỉ đạo vận hành linh hoạt điều tiết nước khi mưa lũ kéo dài, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó sự cố, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác đi các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Đồng thời, huy động 2.663 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác ứng phó bão, toàn bộ vật tư thiết yếu đã chuẩn bị đầy đủ. Các hồ chứa nước đang tiến hành xả nước để hạ mực nước xuống 80%, đảm bảo an toàn hồ đập trong trường hợp mực nước đổ về lớn. Hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh về cơ bản chưa thu hoạch lúa mùa vụ được, nên sẽ tập trung vào giải pháp chống ngập để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất nếu có trường hợp xấu xảy ra.
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ đều chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển, cửa sông; sẵn sàng phương án gia cố nhà ở, các công trình công cộng khu vực chịu ảnh hưởng của bão.