Các địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận... siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiểm tra việc thực hiện quy định phòng dịch của doanh nghiệp...

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Chiều 4/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã họp bàn về biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) Tôn Thất Thạnh cho hay tính từ 13 giờ ngày 3/8 đến 13 giờ ngày 4/8, thành phố ghi nhận 92 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 48 trường hợp là F1 đã cách ly, 38 trường hợp trong khu phong tỏa, 6 ca chưa cách ly. Số ca nhiễm đa số liên quan đến cảng cá Thọ Quang.

Trong các ca mắc COVID-19, quận Liên Chiểu phát hiện 8 ca dương tính (đã ở trong khu phong tỏa 14 ngày) và hai ca là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y dược tăng cường lấy mẫu ở Trung tâm Y tế Hải Châu, thường xuyên đi lấy mẫu cộng đồng.

Hiện, Đà Nẵng đã có 50/56 xã phường có ca mắc COVID-19. Ngoài quận Sơn Trà đang có nguy cơ cao, các quận khác cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Trong ngày 4/8, đã lấy mẫu xét nghiệm cho 49.680 lượt người.

Thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 3.099 trường hợp F1 và 4.976 trường hợp F2.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, tình hình ca mắc Đà Nẵng vẫn ở mức độ cao và phát sinh những ổ dịch mới, có nguy cơ lan rộng.

Việc triển khai Chỉ thị 05 của Ủy ban Nhân dân thành phố mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng trong một thời gian ngắn các cơ quan chức năng, địa phương đã điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là trong quá trình tổ chức triển khai.

Bí thư Thành ủy đề nghị các địa phương phải kiên định quan điểm, cách thức trong việc tổ chức kiểm soát dịch trong thực tế, vừa làm, vừa điều chỉnh, sắp tới Đà Nẵng sẽ điều chỉnh những bất hợp lý trong việc cấp giấy đi đường cho người dân, nhất là xử lý nghiêm các trường hợp gian dối.

Về điểm dịch ở Sơn Trà, theo Bí thư Thành ủy, đang có sự kiểm soát tốt, mặc dù ca dương tính phát sinh tiếp tục tăng. Quận Sơn Trà phải kiểm soát tốt, không để dịch lây lan ở trong khu vực cách ly và phong tỏa.

Hiện tại, 5 phường của Sơn Trà thực hiện cách ly y tế, thành phố phải chi ra gần 100 tỷ đồng để hỗ trợ 40.000 đồng người/ngày. Điều này cho thấy thiệt hại rất lớn về ngân sách. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần phải quyết tâm trong công tác phòng, chống dịch, để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý; kịp thời động viên khen thưởng những hành động và mô hình tốt nhằm phát huy vai trò, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Cùng ngày, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã gửi văn bản đến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc người lao động ngừng việc trở về địa phương khi đang thực hiện phương án “3 tại chỗ."

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trong quá trình triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 địa điểm," đến nay, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp muốn dừng hoạt động. Một số trường hợp vì lý do nào đó không muốn tiếp tục tham gia và đề nghị được trở về địa phương.

Từ thực tế trên, Ban Quản lý khu công nghiệp Đồng Nai thống nhất, đối với trường hợp doanh nghiệp trong khu công nghiệp đề nghị dừng hoạt động theo phương án “3 tại chỗ," doanh nghiệp phải có công văn gửi đến đơn vị; đồng thời, gửi văn bản cho Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai sẽ xem xét và có văn bản thông báo chấp thuận ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố để được hướng dẫn thủ tục đưa người lao động về nơi cư trú như tổ chức xét nghiệm, cấp giấy xác nhận đi đường, bố trí phương tiện, lập danh sách thông báo về nơi tạm trú, thường trú tại Đồng Nai để được tiếp nhận quản lý.

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng có một số lao động muốn ngừng việc trở về địa phương, doanh nghiệp lập danh sách báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, cơ quan y tế để xem xét giải quyết.

Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố. Sau khi người lao động về địa phương, doanh nghiệp thông báo Ban Quản lý các khu công nghiệp, đồn Công an khu công nghiệp để theo dõi, cập nhật số lao động đăng ký đã tạm trú.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đề nghị các địa phương hướng dẫn thủ tục, giải quyết nhanh chóng cho người lao động, chỉ đạo tổ chức kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp, đảm bảo quy định về tầm soát COVID-19 để người lao động về lại nơi cư trú an toàn, tránh lây lan dịch bệnh.

Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Công đoàn huyện, Công đoàn khu công nghiệp, Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn làm công tác tư tưởng cho người lao động an tâm chờ đợi trong thời gian huyện, thành phố giải quyết thủ tục theo quy định.

Chiều 4/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Thiết và Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của tỉnh trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp ghi nhận có trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải dừng ngay hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tập trung truy vết, khoanh vùng, cách ly và xử lý kịp thời để khống chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch; phối hợp với Sở Y tế, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các ngành chức năng liên quan rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế theo quy định.

Các doanh nghiệp còn lại tạm ngưng hoạt động kể từ 00 giờ ngày 5/8/2021 để rà soát, xây dựng một trong 2 phương án tổ chức sản xuất hoặc kết hợp đồng thời cả hai phương án (phương án 3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; phương án 1 cung đường, 2 địa điểm: chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung người lao động từ nơi sản xuất đến nơi ở của người lao động).

Chiều 4/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin chốt kiểm soát y tế số 5 tại huyện Phú Lộc đã tổ chức tiếp nhận 23 người đi xe máy về quê, thực hiện khai báo y tế, lập biên bản vi phạm và đưa đi cách ly tập trung lúc 10 giờ cùng ngày.

Qua kiểm tra, xác minh, đây là những người dân tự ý trở về địa phương từ các tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Quan điểm của tỉnh là vẫn tổ chức tiếp nhận, đưa vào cách ly tập trung đối với những công dân này, nhưng đồng thời tiến hành xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Trước đó, các trang mạng xã hội lan truyền thông tin lực lượng chức năng Thừa Thiên-Huế từ chối tiếp nhận 23 người đi xe máy về quê qua đèo Hải Vân. Họ buộc quay đầu về Đà Nẵng và đang được Tập đoàn Đèo Cả cho nghỉ ngơi ở trạm trung chuyển hầm đèo Hải Vân để chờ quyết định của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Xịt khử khuẩn khi đón công dân từ vùng dịch trở về. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Xịt khử khuẩn khi đón công dân từ vùng dịch trở về. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Thực hiện Công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19; ngày 31/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông báo về việc dừng tiếp nhận công dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg di chuyển khỏi nơi cư trú sau ngày 31/7/2021 (trừ những người được chính quyền cho phép).

Kể từ ngày 31/7/2021 trở về trước, công dân đã rời khỏi các tỉnh, thành nói trên, tỉnh sẽ tổ chức đón và tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-dia-phuong-siet-chat-cac-bien-phap-phong-chong-dich-covid19/731564.vnp