Các địa phương tăng cường giảm thiểu chất thải nhựa
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa.
Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả đối với môi trường. Để tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 33/CT-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý (hoàn thành trước ngày 30/10/2020).
Thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ quan trên địa bàn Thành phố từ ngày 1/11/2020 phải gương mẫu và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường; đồng thời, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải nhựa và tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; tiếp tục vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch... trên địa bàn cam kết hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; thực hiện thu phí dịch vụ thu gom rác đối với các tiểu thương tại các chợ dân sinh truyền thống...
UBND tỉnh Bình Phước cũng vừa ban hành chỉ thị số 11/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa.
Tỉnh giao Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường; phát hiện, phổ biến và trao giải thưởng về môi trường đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; xây dựng cổng thông tin điện tử để chia sẻ thông tin, kiến thức về chất thải nhựa.
Tỉnh Quảng Bình cũng có chỉ đạo yêu cầu các ban, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo thực hiện mục tiêu sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; đến năm 2025 các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ở đô thị trên địa bàn tỉnh không sử dụng đồ nhựa dùng một lần…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản (để làm nổi các lồng bè nuôi cá); xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển; thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...
Tỉnh cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa nội dung giáo dục nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông khó phân hủy nói riêng và hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt vào chương trình giảng dạy ở các cấp học phụ trách theo các hình thức, nội dung phù hợp; xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong các trường học, cơ sở giáo dục; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiếu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn…