Các địa phương tập trung phòng, chống cháy rừng

Theo Cục Kiểm lâm, hiện nay tại các huyện Nghĩa Hành, Mộ Ðức, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 4 (cấp rất nguy hiểm). Cục đề nghị địa phương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Phú Yên dập lửa tại rừng phi lao phòng hộ ven biển ở xã An Phú, TP Tuy Hòa. Ảnh: ÐÌNH THIỆU

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Phú Yên dập lửa tại rừng phi lao phòng hộ ven biển ở xã An Phú, TP Tuy Hòa. Ảnh: ÐÌNH THIỆU

Theo Cục Kiểm lâm, hiện nay tại các huyện Nghĩa Hành, Mộ Ðức, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 4 (cấp rất nguy hiểm). Cục đề nghị địa phương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

* Ðến 9 giờ ngày 18-8, đám cháy rừng ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) mới cơ bản được khống chế. Trước đó, ngày 17-8, đám cháy bùng phát từ xã Duy Sơn lan sang khu vực xã Duy Trinh. Lực lượng chức năng huy động 300 người cùng phương tiện tham gia chữa cháy. Ước tính sơ bộ có hơn 80 ha rừng keo bị thiệt hại.

* Ngày 18-8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Ðịnh cho biết, trên phạm vi toàn tỉnh nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Thời gian qua, tại Phú Yên liên tiếp xảy ra cháy rừng ở các huyện Ðồng Xuân, Ðồng Hòa và thị xã Sông Cầu.

Hiện nay, nắng nóng còn tiếp diễn, nguy cơ cháy rừng cao, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị các địa phương tuyên truyền người dân không dùng lửa đốt thực bì, nương rẫy; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các đám cháy rừng.

* Ðể tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đang ứng dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm điểm nghi cháy bằng tin nhắn. Phần mềm ứng dụng công nghệ chụp ảnh từ vệ tinh, mỗi ngày chụp sáu lần. Sau khi phát hiện điểm nghi cháy, hệ thống chuyển thẳng đến máy chủ đặt tại Chi cục sau đó thông báo bằng tin nhắn cho các địa phương.

* Năm 2019, tỉnh Bắc Giang phấn đấu trồng rừng tập trung đạt khoảng 8.000 ha; trồng cây phân tán đạt 2,5 triệu cây; chăm sóc hơn 20.000 ha rừng các loại. Ðể đạt kế hoạch, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo việc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; giám sát nguồn gốc giống khi đưa vào gieo ươm; hướng dẫn chủ rừng đưa giống mới, có năng suất cao vào trồng rừng.

* Tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều cơ chế chính sách triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, tỉnh chú trọng việc xây dựng và hình thành chuỗi giá trị liên kết, tạo hiệu ứng lan tỏa bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất từ khâu giống, trồng, chăm sóc đến khai thác và chế biến.

* Do nắng kéo dài, nhiều hồ chứa nước ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Ðức Phổ (Quảng Ngãi) đang ở mực nước chết, ảnh hưởng đến sản xuất. Theo kế hoạch, vụ hè thu 2019, toàn tỉnh sản xuất 51.888 ha, trong đó gần 35.000 ha lúa và gần 17 nghìn ha rau màu, cây trồng ngắn ngày. Toàn tỉnh, hiện có 54 hồ chứa cạn nước; 48 hồ chứa còn từ 10 đến 20% dung tích thiết kế.

* Giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã phê duyệt, cho phép năm đơn vị được khai thác 746,74 ha thông ba lá hơn 25 năm tuổi. Tỉnh yêu cầu toàn bộ diện tích sau khai thác trắng phải được quản lý và trồng thâm canh lại với chủng loại, chất lượng giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao theo mục đích kinh doanh gỗ lớn, có hiệu quả kinh tế cao…

* Tỉnh Gia Lai, hiện nay mực nước tại nhiều hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,7 m đến 8,85 m. Ðiển hình như hồ Ayun Hạ hiện tại thấp hơn mực nước dâng bình thường 5,11 m; hồ Ia Ring 8,85 m, hồ Ia Mlah 5,65 m; hồ thị trấn Chư Prông 3,53 m, hồ Ia Glai 3,07 m...

* Vụ hè thu năm nay, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) gieo trồng hơn 1.036 ha lúa. Ðến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đã trổ bông nhưng khoảng 60 ha lúa bị mất trắng do chuột phá hoại, tập trung ở các xã Phú Thủy, Mai Thủy, Tân Thủy, Văn Thủy…

* Trên địa bàn TP Thái Nguyên và TP Sông Công (Thái Nguyên) vừa có mưa lớn, dông lốc làm 33 nhà dân bị tốc mái. Sau khi thiên tai xảy ra, địa phương đã huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

* Bộ Tư pháp vừa đến bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) thăm hỏi và tặng 400 triệu đồng cho đồng bào vùng bị thiệt hại nặng do mưa lũ vừa qua. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ nhân dân vùng lũ huyện Quan Sơn 50 triệu đồng. Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp các nhà hảo tâm vừa đến xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn trao 40 suất quà cho 40 gia đình bị thiệt hại do mưa lũ với số tiền 76 triệu đồng. Tỉnh Bình Dương trao 300 triệu đồng cho tỉnh Lâm Ðồng để chuyển tới các gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ðồng Nai cùng các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, tiền mặt với giá trị hơn 196 triệu đồng cho nhân dân chịu thiệt hại do lũ lụt tại hai huyện Tân Phú và Ðịnh Quán (Ðồng Nai).

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41256602-cac-dia-phuong-tap-trung-phong-chong-chay-rung.html