Nhiều làng, bản khó khăn dần 'thay da đổi thịt'

Những năm qua, câu chuyện giúp dân của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Kim Bôi (Hòa Bình) vẫn thường xuyên được bà con xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng nhắc lại như khẳng định sự đóng góp và thể hiện lòng biết ơn đối với bộ đội cho sự đổi thay của địa phương.

Được biết, thời điểm năm 2009, Đú Sáng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, trong đó Bãi Tam là xóm sâu, xa, nghèo nhất ở Đú Sáng. Nhiều tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn khiến cái đói, cái nghèo cứ bủa vây hết năm này qua năm khác với người dân nơi đây.

 Cán bộ Ban CHQS huyện Kim Bôi hướng dẫn người dân xóm Bãi Tam trồng mít Thái Lan.

Cán bộ Ban CHQS huyện Kim Bôi hướng dẫn người dân xóm Bãi Tam trồng mít Thái Lan.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình về lựa chọn xóm Bãi Tam làm điểm để xây dựng “Làng, bản văn hóa quốc phòng”, Ban CHQS huyện Kim Bôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế. Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện thường xuyên xuống địa bàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm giúp bà con di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, cải tạo vườn tạp, hướng dẫn người dân đào ao thả cá, phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng. Ngoài ra, đơn vị phối hợp mở rộng đường giao thông, sửa nhà văn hóa xóm, xây bể nước ngọt, đắp đập trữ nước phục vụ người dân trồng trọt, chăn nuôi. Bằng sự kiên trì giúp đỡ của đơn vị nên các tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu ở Bãi Tam dần bị xóa bỏ, đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo liên tục giảm. Những năm qua, nhiều gia đình trong xóm bắt đầu có của ăn, của để, vươn lên khá giả.

Thời điểm năm 2009, tỉnh Hòa Bình có 95 xã đặc biệt khó khăn trong tổng số 210 xã, phường, thị trấn. Sau khi khảo sát đánh giá thực trạng, nắm bắt nhu cầu của người dân, Bộ CHQS tỉnh xác định triển khai mô hình “Làng, bản văn hóa quốc phòng” với 4 mục tiêu cơ bản gồm: Làng bản ấm no, không còn đói nghèo; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng xóm yên vui.

Khó khăn trong triển khai mô hình là nguồn kinh phí hỗ trợ, giúp đỡ người dân của các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh hạn hẹp. Vì vậy, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình xác định phát huy vai trò nòng cốt của LLVT song phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương để chung tay thực hiện mô hình. Theo Đại tá Triệu Kim Thắng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, từ hiệu quả của mô hình, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nâng cấp mô hình thành Đề án xây dựng “Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh”. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 38 “Làng, bản văn hóa quốc phòng” và “Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh”. Nhờ sự kiên trì, chung tay, góp sức của LLVT tỉnh đã giúp nhiều làng, bản khó khăn dần “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của toàn tỉnh, xây dựng “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/nhieu-lang-ban-kho-khan-dan-thay-da-doi-thit-784401