Các đô thị ngày càng nhiều chuột hơn do biến đổi khí hậu
Giới khoa học cảnh báo các đô thị trên thế giới đang có nhiều chuột hơn trước, nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu.
Giáo sư sinh học Jonathan Richardson (Đại học Richmond) quyết định nghiên cứu xu hướng chuột trong đô thị sau khi xem tin tức về tình trạng loài gặm nhấm này “xâm chiếm” thành phố. Tin tức thường tập trung vào vài địa điểm cụ thể và không có nhiều dữ liệu cụ thể.
Nhóm nghiên cứu xin số liệu thống kê về chuột từ 200 thành phố đông dân nhất nước Mỹ, đáng tiếc chỉ 13 thành phố cung cấp được số liệu dài hạn chất lượng. Để mở rộng phạm vi nghiên cứu, nhóm xem xét thêm 3 thành phố gồm Tokyo ở Nhật, Toronto ở Canada, Amsterdam ở Hà Lan. Dữ liệu thu thập trong khoảng 12 năm. Kết quả họ ghi nhận số lượng chuột trên địa bàn 11 thành phố tăng đáng kể, 5 thành phố Washington DC, San Francisco, Toronto, New York, Amsterdam có mức tăng cao nhất. Chỉ New Orleans, Louisville, Tokyo sụt giảm. Xu hướng số lượng chuột gia tăng liên quan đến vài yếu tố như mật độ dân số cao, mật độ cây xanh đô thị thấp, nguyên nhân chủ yếu là nhiệt độ trung bình cao lên.
Chuột là động vật có vú nhỏ bị giới hạn bởi cái lạnh. Nhiệt độ ấm hơn (đặc biệt các đợt tăng nhiệt vào mùa đông) giúp chúng có thời gian kiếm ăn bên ngoài lẫn thời gian sinh sản lâu hơn. Nhà sinh thái học Michael Parsons giải thích: “Khí hậu ấm kéo dài mùa sinh sản, cung cấp cho chuột nhiều thức ăn cùng thảm thực vật để ẩn nấp. Ngay cả mùi thức ăn và rác cũng bay xa hơn lúc thời tiết ấm áp”.
Tình trạng trên là vấn đề lớn. Chuột phá hoại cơ sở hạ tầng, làm ô nhiễm thực phẩm, thậm chí gây ra hỏa hoạn bằng cách gặm dây điện. Ước tính mỗi năm chúng khiến Mỹ thiệt hại khoảng 27 tỉ USD.
Chuột cũng đe dọa đến sức khỏe con người. Chuyên gia dịch hại Matt Frye (Đại học Cornell) cho biết loài này liên quan đến 50 tác nhân gây bệnh truyền qua nước tiểu, phân, ổ nước bọt, vật liệu, ký sinh trùng. Một số bệnh có thể rất nghiêm trọng, chẳng hạn hội chứng Weil gây tổn thương gan lẫn thận dẫn đến tử vong. Ngày càng có nhiều bằng chứng người sống ở nơi nhiều chuột gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Washington DC đứng đầu trong 16 thành phố mà nghiên cứu xem xét, với số lượng chuột gấp 1,5 lần New York. Hình ảnh thùng rác nhựa cứng bị chuột khoét một lỗ to phản ánh mức độ nghiêm trọng của nạn chuột “xâm chiếm”. Gerard Brown - quan chức phụ trách chương trình kiểm soát chuột ở thủ đô nước Mỹ - chia sẻ: “Cách duy nhất để ngăn chuột chui vào thùng rác là không cho thức ăn vào đó”.
Năm ngoái là năm nóng nhất lịch sử Washington DC – tin xấu cho nỗ lực diệt chuột. Ông Brown vốn hy vọng đợt lạnh từ tháng 12 sang tháng 1 góp phần làm giảm số lượng loài này. Cách đây vài năm giới chức thành phố thí điểm dự án kiểm soát sinh sản bằng thuốc dạng lỏng nhưng không ghi nhận kết quả rõ ràng.
Theo giáo sư Richardson, kết quả nghiên cứu không phải lời buộc tội chính quyền các đô thị không giải quyết vấn đề mà để chỉ ra nỗ lực diệt chuột thường thiếu kinh phí. Ba thành phố có số lượng chuột giảm đem lại bài học cho nhiều nơi khác, họ thành công nhờ chiến dịch hướng dẫn người dân cách tránh thu hút chuột cũng như sử dụng nguồn lực công để giải quyết. Giáo sư Richardson còn khuyên tránh dùng đến biện pháp giết chết vì làm vậy làm lây lan bệnh truyền nhiễm. Thay vào đó chính quyền các đô thị nên tìm cách ngăn chuột tiếp cận được thực phẩm bỏ đi, rác thải, xà bần.