Các đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra, làm việc với các huyện, thành phố
* Tiếp tục chương trình kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH 9 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, sáng 21.9, đoàn công tác số 1 UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với thành phố Hà Giang (TPHG). Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo TPHG.
Trong 9 tháng, TPHG gieo trồng trên 1.500 ha cây trồng các loại; phát triển thêm 7 gia trại, nâng tổng số gia trại chăn nuôi trên địa bàn 57. Tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM còn thiếu, yếu; cải tạo, nâng cấp 6,3 km đường bê-tông và 2 km rãnh tại các xã; nhân dân hiến 5.000 m2 đất và trên 500 lượt ngày công xây dựng NTM; hoàn thiện hồ sơ công nhận 14 sản phẩm OCOP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt trên 2.700 tỷ đồng, đạt 71,67% so với kế hoạch năm; doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 468 tỷ đồng, đạt 68,76% kế hoạch.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 278 tỷ đồng, đạt 49,6% dự toán tỉnh giao; giải ngân nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 59% kế hoạch. Trong tổng số 37 chỉ tiêu, có 35 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết; 2 chỉ tiêu đạt từ 91% – 97%; giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2015 – 2020) tăng trên 9,9%; cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển nhanh, chiếm 78,2%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 57 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,26%.
Tuy nhiên, trên địa bàn TPHG xảy ra 6 đợt thiên tai, bão lũ khiến 1 người chết, 1 người bị thương; trên 2.800 hộ dân bị ảnh hưởng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập úng, ước tổng thiệt hại trên 70 tỷ đồng; việc triển khai Dự án Đô thị loại II gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn chậm…
Tại buổi làm việc, TPHG kiến nghị với đoàn công tác một số nội dung: Đề nghị tỉnh cho chủ trương đầu tư, đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025 đối với một số công trình của thành phố; tăng tỷ lệ điều tiết tiền đấu giá quyền sử dụng đất giữa ngân sách tỉnh và ngân sách thành phố đối với các khu vực đất đầu tư do tỉnh quản lý để thành phố có nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II; cho phép thành phố thành lập thí điểm đội trật tự đô thị; ủy quyền cho UBND thành phố thực hiện quy trình tiếp nhận viên chức thành công chức cấp thành phố đối với viên chức đã từng là công chức thành phố trước khi điều động công tác đến các đơn vị sự nghiệp, tổ chức hội để chủ động và kịp thời kiện toàn, bổ sung công chức cho các cơ quan chuyên môn trong phạm vi biên chế đã giao…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị TPHG huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020; tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát các khoản thu; chủ động giải ngân các nguồn vốn; kiện toàn Ban quản lý Dự án đô thị loại II; đẩy mạnh chỉnh trang đô thị; rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình đầu tư công; siết chặt công tác quản lý đô thị, đất đai; rà soát toàn bộ các công trình, hệ thống cống rãnh; chủ động thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn; giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền TPHG cần có sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chấn chỉnh tác phong đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành với UBND thành phố. Cần sâu sát, cụ thể trong triển khai thực hiện Dự án đô thị loại II; tăng cường xã hội hóa đảm bảo an sinh xã hội… Đối với các nội dung kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị TPHG chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành tìm giải pháp tháo gỡ để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tin, ảnh: KIM TIẾN
*Chiều 21.9, Đoàn công tác số 2 UBND tỉnh do đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Vị Xuyên nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH 9 tháng đầu năm. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
9 tháng đầu năm, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi và thiên tai, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế huyện Vị Xuyên vẫn được duy trì, tăng trưởng. Thu thế và phí đạt 63,9% dự toán giao; diện tích gieo trồng các cây trồng hàng năm đạt hơn 17.500 ha, tăng 0,37% so với cùng kỳ; giá trị công nghiệp ước đạt trên 1.300 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy ước đạt 185 triệu USD, số thu thuế, phí ước đạt 158 tỷ đồng… Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm đảm bảo kế hoạch. Công tác phòng, chống và chi trả kinh phí hỗ trợ người dân, lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 được đảm bảo, kịp thời và đạt hiệu quả. Huyện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 189 nhà theo kế hoạch hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, CCB nghèo, hộ nghèo trong năm 2020. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt 54,6% kế hoạch giao. Lao động được giải quyết việc làm đạt 145,6% kế hoạch…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế như: Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP còn chậm tiến độ thực hiện; công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch giao; vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ tại các xã dọc tuyến QL2; công tác quản lý đất đai ở một số xã, thị trấn còn buông lỏng, nhất là tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích; hiệu quả của công tác cải cách hành chính còn chưa cao…
Để khắc phục những hạn chế và hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý nhấn mạnh một số nội dung huyện Vị Xuyên cần thực hiện trong thời gian tới: Tập trung hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước; thực hiện tốt công tác giải ngân các nguồn vốn; quyết liệt trong việc khống chế dịch tả lợn châu Phi và triển khai kế hoạch trồng cây vụ Đông. Tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đối với xã Phong Quang. Quan tâm công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo bứt phá về tiêu chí thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Huyện tiếp tục huy động xã hội hóa trong công tác xóa nhà tạm; thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, CCB nghèo, hộ nghèo; giữ vững QP – AN, ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Sáng cùng ngày (21.9), đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bắc Mê.
Năm 2020, UBND huyện Bắc Mê triển khai 19 chỉ tiêu, giảm 1 chỉ tiêu so với tỉnh giao, do huyện không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã thực hiện 8 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu đạt từ 90 đến dưới 100%, 1 chỉ tiêu đạt từ 70 đến dưới 90%, 5 chỉ tiêu đánh giá vào cuối năm và 1 chỉ tiêu không đánh giá tỷ lệ %. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện gần 119 tỷ đồng, đạt 78,21% kế hoạch tỉnh giao; tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt hơn 9.500ha, đạt 101,3% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt hơn 34.000 tấn; diện tích trồng rừng mới đạt 185,24% kế hoạch, tăng 47,42% so với cùng kỳ…
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên người và gia súc được huyện chỉ đạo triển khai, kiểm soát chặt chẽ. Lĩnh vực quy hoạch, đất đai được quan tâm đầu tư, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo; hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên; cải cách hành chính được thực hiện mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; QP – AN, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Bắc Mê đã kiến nghị với đoàn công tác một số vấn đề như: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Kế hoạch số 30/KH-STNMT ngày 31.5.2017; kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất năm 2020 (bổ sung); xem xét bổ sung đầu tư nâng cấp hệ thống sử dụng nước sạch tại trung tâm huyện hiện đã xuống cấp; đề nghị tỉnh quan tâm, xem xét, có giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp tại QL34 và QL280 qua địa bàn huyện; chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương khảo sát, thiết kế bổ sung, hạng mục chứa nước từ bể của công trình nước sạch tại thôn Pắc Mìa, thị trấn Yên Phú đến các khu vực dân cư và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…
Trên cơ sở những kiến nghị của huyện và ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý đề nghị: Thời gian tới, huyện tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu còn lại trong năm; quan tâm đến công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình theo Chương trình xây dựng NTM, 135..; tiếp tục thực hiện tốt thu ngân sách; tập trung đẩy mạnh sản xuất cây vụ Đông; đẩy mạnh đào tạo và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện, nhất là xuất khẩu lao động; quan tâm đến cơ sở vật chất giáo dục, y tế; tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19…
Tin, ảnh: Văn Long
* Sáng 21.9, đoàn công tác số 3 của UBND tỉnh do đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Mèo Vạc nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH 9 tháng đầu năm trên địa bàn. Dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành thành viên đoàn công tác.
Với quyết tâm vượt qua khó khăn, vừa chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sức bật cho KT - XH phát triển, trong 9 tháng qua huyện Mèo Vạc đã tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu giao theo quyết định của UBND tỉnh. Trong tổng số 18 chỉ tiêu giao có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu đạt 100%, 4 chỉ tiêu đạt từ 60% đến trên 80%, 7 chỉ tiêu đánh giá vào cuối năm. Chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và phòng chống sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi. Tổng sản lượng lương thực 9 tháng ước đạt 27.995 tấn, tăng 5.870 tấn so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, huyện có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Đã vận động nhân dân đóng 21.547 ngày công, hiến 12.239 m2 đất, mở mới 19,3 km đường giao thông, nâng cấp, sửa chửa 54,9 km đường trục thôn. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 614 tỷ đồng, trong đó thuế và phí đạt 69 tỷ đồng, đạt 40,56% kế hoạch tỉnh giao. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 66,32% kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời. Công tác giảm nghèo, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Mèo Vạc đã trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT - XH và kiến nghị một số nội dung với tỉnh: Đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình điện dân sinh trên địa bàn; bố trí nguồn lực cho huyện thực hiện việc lập quy hoạch các xã trên địa bàn; hỗ trợ huyện khắc phục hậu quả thiên tai do đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 10 - 12.9 vừa qua; khảo sát, đánh giá nguy cơ sụt lún tại khu vực thị trấn Mèo Vạc và xã Thượng Phùng để có giải pháp giúp huyện khắc phục...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đánh giá cao những kết quả huyện Mèo Vạc đạt được trong 9 tháng đầu năm. Để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020 đề ra, đồng chí đề nghị huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt kế hoạch sản xuất vụ Đông và các đề án, chương trình nông nghiệp trọng tâm. Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, thực hiện hiệu quả Đề án nửa triệu con đại gia súc, tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi. Trong xây dựng NTM phải chú trọng đến chất lượng các tiêu chí cũng như chất lượng, tuổi thọ các công trình xây dựng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình, dự án trong lĩnh vực thủy điện. Quản lý tốt các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các điểm khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách, tăng cường công tác quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế. Tăng cường công tác quản lý và giải ngân vốn đầu tư công, vốn Chương trình xây dựng NTM. Chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng…
Trước đó, đoàn công tác số 3 của tỉnh đã đi thăm mô hình chăn nuôi bò hàng hóa, nuôi chim bồ câu Pháp tại thị trấn Mèo Vạc và kiểm tra một số tuyến đường bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua.
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG